Thứ bảy, 2/11/2024
Thứ ba, 12/11/2013, 14:35 (GMT+7)

Các ngôi sao Brazil phải tìm cơ hội ở ĐTQG khác

Tình trạng dư thừa tài năng Brazil khiến nhiều cầu thủ sinh ở nước này phải chấp nhận khoác áo một ĐTQG khác, thay vì mòn mỏi chờ cơ hội được triệu tập vào đội tuyển cố quốc.

Jose Altafini 'Mazzola'

Altafini (phải) có tên trong thành phần tuyển Brazil vô địch World Cup 1958, nhưng chỉ là kép phụ cho những Pele, Zagallo, Garrincha, Vava.

Ba năm sau đó, tiền đạo này nhập tịch Italy, nơi ông chơi bóng trong màu áo AC Milan. Cùng đội tuyển mới, Altafini dự World Cup 1962, nhưng không thành công và ra về ngay sau vòng bảng.

Paulo Rink

Tiền đạo này sinh ở Coritiba và chơi ba CLB Brazil khác nhau, nhưng Rink (áo trắng) chỉ được biết đến từ khi sang Đức khoác áo Leverkusen giai đoạn 1997-2001. Nhưng Brazil thời gian này đang dư thừa các tiền đạo chất lượng với những Ronaldo, Rivaldo, Edmundo.

Rink vì thế nhập tịch, nhận lời khoác áo tuyển Đức, dự hai giải đấu lớn là Confed Cup 1999 và vòng chung kết Euro 2000.

Deco

Tiền vệ tài hoa người Brazil này không gặp thời với đội bóng cố quốc khi giai đoạn anh tỏa sáng - từ năm 2002 trở đi - trùng với thời đỉnh cao của Ronaldinho, Kaka, còn Rivaldo vẫn chưa hoàn toàn vô dụng.

Nhưng nhờ chơi bóng tại Porto, anh lọt vào mắt xanh của Felipe Scolari - HLV đồng hương nhận lời dẫn dắt Bồ Đào Nha sau khi giúp Brazil vô địch World Cup 2002. Trong màu áo đội bóng được ví như Brazil của châu Âu, Deco trở thành trụ cột, vào chung kết Euro 2004 và bán kết World Cup 2006.

Pepe

Muộn hơn Deco bốn năm, nhưng Pepe rồi cũng được HLV đồng hương Scolari gọi vào tuyển Bồ Đào Nha nhờ phong độ ấn tượng trong màu áo CLB hàng đầu nước này Porto.

HLV Dunga từng thuyết phục Pepe về khoác áo tuyển Brazil năm 2006, nhưng anh này từ chối. Chờ cơ hội cùng Bồ Đào Nha - nơi anh cảm thấy thân thuộc hơn - chỉ là một lý do khiến Pepe nói không khi đó.

Trung vệ này được cho là không muốn nhận lời với Dunga để rồi phải ngồi dự bị cho Lucio, Juan, Luisao, Cris - bốn cầu thủ thay nhau đá chính ở hai suất trung vệ của tuyển Brazil thời điểm ấy.

Marcos Senna

Senna (áo đỏ) là trường hợp cầu thủ Brazil thành công nhất khi khoác áo một đội tuyển nước khác. Tiền vệ phòng ngự này góp công lớn giúp Tây Ban Nha vô địch Euro 2008 - giải đấu lớn mở ra thời kỳ thịnh trị của đội tuyển Nam Âu cho đến giờ.

Senna sẽ không thể gặt hái thành quả to lớn ấy, nếu anh cứ mòn mỏi chờ đợi tiếng gọi từ tuyển Brazil vốn dư thừa ngôi sao ở vị trí tiền vệ phòng ngự giai đoạn 2006-2008, với những Gilberto Silva, Emerson, Juninho Pernambucano...

 

Một trường hợp khác cũng đã chứng minh lựa chọn rời bỏ Brazil của mình là đúng, đó là tiền vệ Marcos Senna. Năm 2008, cựu cầu thủ của Villarreal đã cùng Tây Ban Nha lên ngôi tại kì Euro tổ chức ở Áo và Thụy Sỹ.

Amauri

Cuộc khủng hoảng tiền đạo trước thềm World Cup 2010 buộc tuyển Italy phải tính đến việc triệu tập Amauri. Tiền đạo đang khoác áo Juventus khi ấy cũng lọt vào tầm ngắm của Dunga cho tuyển Brazil, nhưng Amauri không muốn nhận lời vì cám cảnh phải làm dự bị cho những Fred, Robinho và Luis Fabiano.

Tuy nhiên, Amauri phải chờ đến tháng 8/2010 mới được gọi lên tuyển Italy và đá chính trong trận giao hữu với Bờ Biển Ngà. Nhưng anh cũng chỉ đá được đúng một trận đó rồi chìm nghỉm cho đến bây giờ.

Thiago Motta

Tiền vệ người Brazil cũng chọn khoác áo tuyển Italy từ năm 2011 sau một thời gian dài mòn mỏi chờ cơ hội với ĐTQG Brazil. Motta là trụ cột của Italy vào chung kết Euro 2012 và đến giờ đã có 16 trận khoác áo 'Binh đoàn Thiên thanh'.

Eduardo Da Silva

Là chân sút đình đám trong màu áo Dinamo Zagreb và nhờ đó được Arsenal mời về đầu quân, nhưng Eduardo vẫn chỉ là một cái tên bình thường như cả ngàn tiền đạo Brazil khác đánh thuê ở khắp nơi trên thế giới.

Chân sút sinh ở Rio de Janeiro này vì thế nhận lời khoác áo tuyển Croatia, bắt đầu từ đội U21 năm 2004 rồi đội 1 một thời gian rất ngắn sau đó. Mối lương duyên này mang lại thành công cho cả hai, Eduardo hiện là chân sút ghi bàn nhiều thứ hai trong lịch sử tuyển Croatia với 29 bàn thắng, chỉ kém mình Davor Suker, huyền thoại đang giữ kỷ lục với 45 bàn.

Liedson

Cuộc khủng hoảng vị trí tiền đạo cắm trước thềm World Cup 2010 mở đường cho trung phong người Brazil này (trái) lên tuyển tuyển Bồ Đào Nha. Liedson sau đó góp hai bàn ở vòng loại World Cup 2010 và dự vòng chung kết tại Nam Phi, nơi anh góp một bàn trong trận Bồ Đào Nha đè bẹp Bắc Triều Tiên 7-0 ở vòng bảng.

Thiago Alcantara

Trưởng thành từ lò La Masia của Barca, nhưng Thiago Alcantara (áo đỏ) là một người Brazil từ trong máu thịt, bởi cha anh, ông Mazinho là tuyển thủ Brazil vô địch World Cup 1994, còn mẹ anh, Valeria là một cựu tuyển thủ bóng chuyền Brazil.

Tuy nhiên, khi chọn màu áo ĐTQG, Alcantara lại chọn đội tuyển nơi anh gắn bó nhiều nhất là Tây Ban Nha. Tiền vệ dẫn dắt lối chơi này ra mắt cùng Tây Ban Nha trong trận giao hữu hồi tháng 8/2011 và đá trận chính thức đầu tiên khi thắng Liechtenstein 6-0 ở vòng loại Euro 2012.

Hè vừa qua, Alcantara là nguồn cảm hứng lớn nhất giúp đội U21  Tây Ban Nha bảo vệ thành công ngôi vô địch trẻ châu Âu mà chính anh và các đồng đội lứa đàn anh Mata đoạt được cách đó hai năm.

Diego Costa

Trung phong của Atletico Madrid từng hai lần lên tuyển Brazil và ra mắt trong trận giao hữu với Italy. Nhưng ở cả hai lần đó, Costa chỉ đều làm kép phụ.

Đây là một lý do quan trọng khiến tiền đạo 25 tuổi này dứt khoát từ chối khi lần thứ ba được Brazil triệu tập. Thay vào đó, anh chóng gật đầu đồng ý với lời mời lên tuyển Tây Ban Nha, nơi anh sống năm năm qua và đã có quốc tịch.

Costa có tên trong đợt triệu tập dự hai trận giao hữu quốc tế của Tây Ban Nha giữa tháng này. Nhưng một chấn thương cuối tuần qua khiến anh lại lỗi hẹn và phải chờ đến tháng 3 năm sau, nếu muốn tiếp tục giấc mơ khoác áo tuyển Tây Ban Nha.

Phương Minh