Hàn Quốc: Đánh vào chân chú rể
Theo truyền thống, một số chú rể Hàn là đối tượng bị đánh. Các phù rể và thành viên gia đình sẽ tháo giày của chú rể (hoặc để nguyên), lấy dây buộc vào mắt cá chân, rồi dùng gậy hoặc một con cá khô đánh vào chân. Nghi lễ này kết thúc nhanh chóng và nó mang tính giải trí nhiều hơn là trừng phạt, khi chú rể bị trêu trọc và hỏi han trong suốt quá trình này. Việc đánh vào chân có hàm ý như bài kiểm tra nhân cách và sức mạnh của người chồng tương lai.
Ấn Độ: Cô dâu cưới cây chuối
Ở Ấn Độ, phụ nữ sinh ra dưới chòm sao Mangal Dosha (theo thiên văn Hindu) được xem là gắn với điều không may, đặc biệt trong hôn nhân, khi lời nguyền cho rằng nó sẽ mang lại căng thẳng vợ chồng và thậm chí cái chết. Để hóa giải điềm xấu này, một lễ kumbh vivah - ở đó người phụ nữ kết hôn với một cây chuối hoặc một biểu tượng của thần Vishnu - được thực hiện trước khi đám cưới thật diễn ra. Hoa hậu thế giới năm 1994 Aishwarya Rai cũng đã trải qua nghi lễ này trước khi kết hôn năm 2007.
Trung Quốc: Nghi lễ khóc
Ở một số vùng của Trung Quốc, khóc là một phần bắt buộc của hôn lễ. Một tháng trước khi lễ cưới thật diễn ra, cô dâu sẽ khóc suốt một tiếng mỗi ngày. 10 ngày trước hôn lễ, mẹ cô dâu sẽ tham gia cùng, và sau đó bà ngoại của cô dâu cũng tham gia, thậm chí có cả các thành viên nữ khác trong gia đình.
Tại tỉnh Tứ Xuyên, nghi lễ này được dành để tưởng nhớ đến thời kỳ Chiến quốc, mẹ của một nàng công chúa đã khóc trước khi con gái lấy chồng.
Malaysia và Indonesia: Dâu rể nhịn tắm
Với người Tidong ở Borneo thuộc Malaysia và Indonesia, cô dâu và chú rể không được rời khỏi nhà hoặc sử dụng phòng tắm trong 3 ngày sau khi cưới, bị canh giữ nghiêm ngặt và chỉ được dùng một ít thức ăn, nước uống. Nghi lễ này nhằm giảm bớt các vận rủi cho cô dâu và chú rể, như hôn nhân tan vỡ và cái chết của các con.
Thuận An (theo herald)