Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Nhạc sĩ Bảo Chấn: Trong suy nghĩ của tôi, anh là một người chuyên hát vu vơ những điều không vu vơ. Những điều tưởng chừng không thể nói bằng lời, thì lại được anh gọi tên một cách nhẹ như không. Có phần nào đó do địa lý, thổ nhưỡng của xứ Huế, đã gieo vào tâm hồn mang nhiều Phật tính và rất phong trần của anh những ca từ như được thốt ra trong tiềm thức... Về hình thái bên ngoài, nhạc của anh không có tổ chức của những nhà nhạc học lớn, có lẽ nhờ vậy rất dễ nghe. Anh giống như một chất dịch đặc biệt có thể hòa tan trong bất cứ dạng thức nào… Hát nhạc của anh, điều đầu tiên là phải thật hồn nhiên, giản dị, và dễ nghe. Tôi có cảm giác, cách phối nhẹ nhàng khoan thai của dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản năm 1972 cho bài hát của anh là đúng với tinh thần Trịnh Công Sơn nhất. Nó rỉ rả, như mưa dầm thấm đất... Khi đặt vấn đề phối khí cho anh, tôi rất hay bị vướng. Tôi phải tự mình hát rất nhiều lần bài hát ấy, để nó tự nhiên thấm sâu vào mình...
Cho tới bây giờ, người ta vẫn biết truyện Kiều là một kiệt tác, Nguyễn Du là một thi hào lớn. Với Trịnh Công Sơn cũng vậy. 100 năm hoặc 200 năm sau, Trịnh Công Sơn vẫn sống, nhạc của anh sẽ được thể hiện theo cách của họ, vào đúng cái thời điểm mà họ có mặt trên đời. Đó là chân lý.
Nhạc sĩ Quốc Bảo: Anh Sơn là một huyền thoại, những giá trị của huyền thoại là vĩnh cửu. 20-30 năm sau, những thế hệ có thể nghe nhạc anh Sơn theo tâm thức khác, nhưng tinh thần của anh thì còn mãi. Anh Sơn gắn với một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn lịch sử khó phai và huyền thoại ấy còn sống chừng nào giai đoạn lịch sử ấy còn sống. Khánh Ly đã thành công khi hát nhạc Trịnh, vì cô đã bảo lưu được cái không khí lo sợ, không khí hiện sinh, nuối tiếc... vốn đầy ắp trong nhạc của anh, với sự trung thực nhất khi hát. Nếu không phải là Khánh Ly, thì tôi sẽ chọn một phương án là mở các ca khúc của anh ra để… đọc! Có người nói ca từ của tôi ảnh hưởng nhiều của Trịnh Công Sơn. Anh Sơn là một huyền thoại, tôi không phải là huyền thoại. Nếu phát biểu như thế là có lỗi với anh Sơn, chứ không phải với tôi.
Nhạc sĩ Bảo Phúc: Tôi may mắn được là người phối nhiều nhất nhạc của anh Sơn. Ba trăm tám mươi bài trong tổng số hơn 600 bài của anh do tôi phối, đều có nguồn gốc. Mỗi lần như vậy, hai anh em thường ngồi lại với nhau để khẳng định bút pháp riêng cho từng bài. Anh đã dạy tôi cách phối nhạc bằng hội họa, như những nét mỏng dày, sáng tối của tranh thủy mạc, định hình bằng nhạc cụ. Anh thích tiếng sáo tượng trưng cho trời, tiếng cello tượng trưng cho đất, những gam màu lạnh tượng trưng cho sự ảm đạm, và màu cam, đỏ, vàng... biểu hiện độ ấm áp, rực cháy. Anh rất giỏi về cách pha trộn màu của hội họa trong âm nhạc. Một lần, anh sử dụng màu rất táo bạo cho Có một ngày như thế, đó là màu bordeau đi với xám, như sự khát khao giữa mùa đông lạnh giá... Ru ta ngậm ngùi anh muốn dùng bộ gõ đập vào nhau cộc và lạnh, nhưng kết thúc lại đưa toàn bộ màu sắc của bộ kèn hơi vào như một sự thảnh thơi... Nhạc của anh đừng quá tạo ra nhiều kịch tính, phải nghe được lời mới hiểu được nội dung, nếu quá chú trọng phần nhạc để che mất phần lời là sai lầm lớn. Nhưng đó lại là thực tế mà các tụ điểm hiện nay đang làm.
Ca sĩ Hồng Nhung: Nhạc của anh Sơn không thể dùng những bước đột phá về phối, bởi đó là dòng nhạc classic, thật buồn và thật giản dị. Hồng Nhung chỉ muốn đi đến cùng sự giản dị ấy của anh, nhưng có lẽ sẽ chẳng bao giờ tới được, bởi đằng sau những ca từ của anh là những khắc khoải mang triết học của đạo giáo, vừa mạnh mẽ vừa vô hình, vừa như dễ hiểu lại vừa mênh mang đến khôn cùng, vì thế nên nó mới mỗi ngày...
Đạo diễn Đoàn Khoa: Khi được làm chương trình riêng về Trịnh Công Sơn, tôi bi quan hơn là lạc quan. Tôi sợ một ngày nào đó, khán giả không hát, không nghe nhạc Trịnh nữa, bởi thế giới ngày nay quá biến động, không còn những phút giây cho con người ta lắng lại... Nhưng cũng có một niềm vui nho nhỏ khi tôi đến với Hội ngộ Quán ở Bình Quới. Ở đây có một loại khán giả khác, tìm một chỗ để chiêm nghiệm chính mình qua nhạc của Trịnh Công Sơn.
Làm sao để nuôi dưỡng, để giữ được âm nhạc Trịnh Công Sơn? Đầu tiên, chính các nghệ sĩ phải rèn luyện và xây dựng cho mình một nền tảng văn học. Chính điều đó quyết định mọi thứ. Từ lòng yêu mến văn học và tiếng Việt thực sự, họ mới có thể cảm và yêu mến Trịnh Công Sơn nói riêng, và những dòng âm nhạc giá trị nói chung.
Nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Kịch bản Hãy yêu nhau đi của tôi ban đầu có tên là Món quà, nhưng khi dàn dựng, chúng tôi thấy âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã bao trùm lên tất cả, nên đã chọn cái tên cũng là tựa một bài hát của anh. Qua âm nhạc của anh, người ta tìm thấy một thái độ sống. Vở diễn đã hết, nhưng khán giả vẫn ngồi lặng phắc để nghe cho trọn âm nhạc của anh. Âm nhạc của anh đã bước vào sân khấu, tôi nghĩ đó cũng là một cách để Trịnh Công Sơn sống mãi. Tôi cảm ơn Trịnh Công Sơn và hiểu hơn ai hết, để có được một tác phẩm sống mãi, anh đã phải trả giá rất lớn cho cuộc đời riêng, bước qua những nỗi đau, để chia sẻ được với nỗi đau... Tôi đã đứng bên cánh gà, nghe Thành Lộc hát, để được... khóc. Tôi không quan tâm đến những ai hát bằng cổ họng, mà chỉ nghe những người hát bằng trái tim, Thành Lộc là một người như thế. Tôi tin là anh Sơn sống mãi, vì công chúng của anh Sơn đủ độ nhạy để giữ tiếng hát nào trong tim. Nếu nó đến được trái tim, thì nó sẽ nằm lại ở đó.
(Theo Thể Thao TP HCM)