Người Thái ở Nghệ An hằng năm có nhiều Tết nhất so với các dân tộc anh em khác trong tỉnh. Do sự giao lưu văn hóa nên Tết Nguyên đán của người Kinh cũng được đồng bào Thái xem như dịp truyền thống của mình. Trong ngày này, nếu người Kinh ở miền Bắc gói bánh chưng cho các mâm cỗ cúng gia tiên, người miền Nam làm những đòn bánh tét thì người Thái có tục làm bánh sừng. Đây là loại bánh chưng nhỏ, hình dáng giống sừng bò.
Họ cũng cúng cơm mới, lúa chín còn non rang khô từ vụ gặt để dành lại đến Tết mới dùng. Kèm theo đó đồ mặn chính yếu ăn trong dịp này là cá. Người Thái cũng tổ chức du xuân, đón giao thừa, chơi đu, múa sạp.
Tết Năm mới là loại được tính theo lịch của người Thái. Họ tính năm mới vào thời điểm có tiếng sấm đầu năm, khoảng đầu tháng 3 âm lịch. Trong thời gian này, người Thái thường đón nước của trận mưa đầu mùa để uống, rửa mặt và tay chân, cầu mong khỏe mạnh.
Sáng sớm hôm sau, họ sẽ mang trứng gà ra suối để rửa mặt, tay chân và cả quả trứng rồi mới mang về nhà luộc ăn. Người Thái tin rằng vừa ăn trứng vừa khấn cầu sẽ giúp cơ thể trắng trẻo, khỏe mạnh.
Đặc biệt hơn tại các nhà làm nghề thầy cúng, Tết Năm mới được chuẩn bị rất trang trọng. Họ đi hái hoa mào gà về trang trí bàn thờ, cắm quanh vò rượu và ca hát, ăn uống say sưa nhiều ngày liên tục. Tết Năm mới còn là dịp các học trò đến nhà “ông một” (người làm nghề thầy cúng) dâng lễ và giúp gia đình trang trí nhà cửa.
Tết Cơm mới được tổ chức khoảng tháng 10 - 11 âm lịch. Khi những tiếng sấm cuối mùa ùa về, đó cũng là lúc người Thái kết thúc thu hoạch vụ lúa mùa. Tết Cơm mới không có ngày thống nhất cụ thể, nhà nào làm xong trước thì ăn trước, làm xong sau thì ăn sau.
Cả nhà sẽ quây quần bên mâm cơm thưởng thức gạo mới (được làm ra từ những hạt lúa chín đầu mùa còn non, rang khô khi nấu chín sẽ rất thơm và hấp dẫn). Lễ vật cúng tổ tiên có khi là cỗ xôi thơm ngon cùng đĩa muối trắng hoặc một mâm xôi, phía trên để đầu heo luộc chín. Tất cả đều là sự thể hiện thái độ kính trọng, biết ơn và ngụ ý mời ông bà về ăn cơm cùng con cháu.
Lan Thoa