Thông tin này được lãnh đạo các ngân hàng nhắc tới trong Hội nghị toàn ngành về triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay.
Gói hỗ trợ này có quy mô 40.000 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Nhà nước sẽ được triển khai trong thời gian tới cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Các lĩnh vực dự kiến được nhận hỗ trợ gồm: hàng không; vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy tính, dịch vụ thông tin... Ngoài ra, các doanh nghiệp vay vốn để làm dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ... thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố, cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, năm nay nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, khi các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bắt đầu giai đoạn phục hồi.
Với Vietcombank, trong 5 tháng đầu năm, nhà băng này tăng trưởng tín dụng hơn 9%, trong khi hạn mức năm nay tăng trưởng chỉ 15%. Nói cách khác, "room" (dư địa) để các nhà băng có thể cho vay không còn nhiều. Việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trong thời gian tới dự kiến còn thúc đẩy nhu cầu tín dụng cao hơn. Theo đó, Phó tổng giám đốc Vietcombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Đề nghị này cũng được lãnh đạo BIDV, VietinBank và MB nhắc tới. Các nhà băng này cùng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao dù chưa tới nửa năm. Ở nhóm thương mại cổ phần, nhiều ngân hàng cũng tăng trưởng 60-70% chỉ tiêu.
Nói về vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã tính tới trường hợp nới "room" tăng trưởng tín dụng khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, khi tín dụng trong 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.
Tính đến 20/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 7,66%. Nếu tính tới thời điểm sáng nay, con số này có thể lên 7,75%, mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Dù tăng nhanh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết có nhiều tín hiệu tích cực khi tăng trưởng tín dụng dàn trải, đồng đều ở nhiều lĩnh vực thay vì chỉ tập trung vào một số ngành. Trong đó, những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đại dịch, như du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng, ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình, đạt trên 8%. Vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải tăng 8,25%; công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%.
Gói hỗ trợ lãi suất thuộc Nghị định 31 nằm trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế 2022-2023.
Khoản vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam, được ký thoả thuận cho vay và giải ngân từ 1/1/2022 đến 31/12/2023. Mức lãi suất hỗ trợ 2% một năm được tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế. Đến thời điểm trả nợ lãi của từng kỳ, ngân hàng thương mại sẽ giảm cho khách hàng số tiền lãi phải trả bằng số lãi được hỗ trợ trong kỳ.
Minh Sơn