Tại một diễn đàn ở Sintra (Bồ Đào Nha) hôm 28/6, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đều cho biết họ còn phải đi một chặng đường dài để kiềm chế lạm phát đang ở mức quá cao.
"Chúng ta đã thắt chặt chính sách, nhưng có thể chừng đó vẫn chưa đủ mạnh và đủ lâu", Powell cho biết tại phiên thảo luận do ECB chủ trì. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cũng tham gia phiên này.
Powell nói quan chức Fed kỳ vọng nâng lãi thêm ít nhất 2 lần nữa năm nay. Powell cũng để ngỏ khả năng nâng lãi hai lần liên tiếp sau khi tạm dừng trong phiên họp đầu tháng này.
Ueda là trường hợp ngoại lệ. Ông nhấn mạnh Nhật Bản giữ nguyên lãi suất âm do lạm phát cơ bản được dự báo về dưới 2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024. Dù vậy, ông cũng cho biết có thể thay đổi quan điểm nếu BOJ chắc chắn hơn về việc lạm phát cơ bản năm tới trên 2%.
Năm ngoái, Fed, ECB và BOE đều tăng lãi suất mạnh tay nhất nhiều thập kỷ, nhằm đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Các lãnh đạo ngân hàng trung ương nhận định bất chấp rủi ro nâng lãi sẽ gây ra suy thoái toàn cầu, kinh tế thế giới đến nay vẫn đứng vững. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao dai dẳng.
"Nhìn chung, lãnh đạo các ngân hàng trung ương đang muốn nói rằng: "Chúng tôi rất kiên định với việc nâng lãi". Nhưng tôi nghĩ rằng họ cũng có chút bối rối khi việc này chưa có tác dụng nhiều. Hãy nhìn lạm phát cơ bản mà xem, một năm qua chỉ số này có đi xuống, nhưng có vẻ đang chững lại rồi. Đó là điều đáng lo ngại", Raghuram Rajan – cựu kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trên Bloomberg.
Ngày 30/6, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) tháng 5. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Powell cho biết sớm nhất là năm 2025, lạm phát cơ bản tại Mỹ mới về 2%. Ông lo ngại lạm phát càng kéo dài, rủi ro với nền kinh tế càng lớn. "Thời gian giờ không phải là bạn của chúng tôi", ông nói.
Cả ông và Bailey đều đang tập trung siết thị trường việc làm trong nước. Họ coi đây vừa là sức mạnh của nền kinh tế, nhưng cũng đồng thời là nguồn cơn lạm phát.
Powell thừa nhận các động thái của Fed có thể gây ra suy thoái. Tuy nhiên, đây không phải là kịch bản dễ xảy ra nhất.
Những lãnh đạo khác cũng thận trọng tương tự. BOE không dự báo Anh suy thoái, nhưng khẳng định "đang theo sát tình hình".
Nhìn chung, các lãnh đạo thể hiện rõ rằng mục tiêu số một của họ là kiềm chế lạm phát, kể cả nếu nền kinh tế phải trải qua giai đoạn khó khăn vì việc này. "Chúng tôi sẽ làm những gì cần phải làm", bà Lagarde kết luận.
Hà Thu (theo Bloomberg)