Hôm 6/8, Be bắt đầu vận hành tính năng "cần hỗ trợ" trên ứng dụng, nhằm tiếp nhận thông tin những người đang gặp khó khăn tại TP HCM. Người dùng không chỉ có thể phản ánh nhu cầu cần hỗ trợ cho bản thân mà còn khai hộ được cho những trường hợp người lang thang, trẻ cơ nhỡ.
Cũng cùng ngày, công ty tạm chuyển đổi tổng đài chăm sóc khách hàng và tài xế thành kênh tiếp nhận các trường hợp cần giúp đỡ và nhận thông tin hỗ trợ từ mạnh thường quân. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án tổng đài khẩn cấp do Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam TP HCM triển khai, phối hợp tổ chức, doanh nghiệp. Hai kênh tiếp nhận thông tin qua ứng dụng và tổng đài đã ghi nhận gần 1.000 yêu cầu hỗ trợ chỉ trong 2 ngày qua.
Trên cơ sở thông tin cần được giúp đỡ, dự án hỗ trợ sẽ tổng hợp nhu cầu, thực hiện xác minh và Be tiến hành vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ. Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 suất hỗ trợ thông qua dự án.
Trước đó, từ hôm 5/8, Be Group cũng đồng hành cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tiếp nhận, xử lý thông tin yêu cầu hỗ trợ của người dân. Dựa trên danh sách các cuộc gọi nhỡ đến tổng đài 1022 do Sở cung cấp, nhân viên tổng đài Be sẽ liên lạc lại để xác nhận từng trường hợp, sau đó chuyển lại thông tin cho Sở. Sau 3 ngày, nền tảng này đã hỗ trợ xử lý được 3.000 cuộc gọi cho đường dây 1022, trong đó có đến 80% các yêu cầu là về vấn đề hỗ trợ thực phẩm.
Dù không còn chạy kinh doanh, nhưng khoảng 500 tài xế Be tại TP HCM từ 5/8 đã làm việc trở lại với vai trò vận chuyển lương thực, thực phẩm, sữa, dụng cụ trẻ em, vật dụng y tế...được các tổ chức cá nhân, tổ chức thiện nguyện đóng góp.
Tại Hà Nội, họ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Sở Y tế thành lập đội xe phản ứng nhanh. Đội này chia nhau trực 24/24 giờ để nhận chở mẫu xét nghiệm Covid-19 từ các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về CDC Hà Nội. Đội đang có 40 xe beCar, được Be hỗ trợ kinh phí. Trong tương lai, nếu nhu cầu tăng cao, Be có thể huy động đến 500 xe tham gia.
Grab Việt Nam cũng đang có loạt hoạt động để cùng hỗ trợ cộng đồng chống dịch. Nền tảng đang kết hợp với Quỹ từ thiện Bông Sen - đơn vị quản lý chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười - tặng suất ăn miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ngân sách của chương trình được huy động bằng cách Grab trích tiền góp quỹ thay người dùng trên mỗi đơn hàng hoặc người dùng đóng góp bằng cách chuyển tiền bằng ví Moca, đổi điểm thưởng.
Sau 2 tuần phát động, ngoài 11.500 bữa ăn do Grab Việt Nam đóng góp, người dùng Grab cũng đã ủng hộ thêm 16.000 bữa ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố. Trao đổi với VnExpress, đại diện công ty cho biết lý do tổ chức chương trình vì nhận thấy đại dịch đang ảnh hưởng trực diện đến hàng triệu người dân đang sinh sống trên địa bàn TP HCM, đặc biệt là nhóm người lao động nghèo trong khu vực phong tỏa, nhóm lao động bị mất việc làm.
"Chúng tôi mong những bữa ăn được trao tặng tại các quán cơm xã hội Nụ Cười không chỉ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn bớt được phần nào áp lực mưu sinh mà còn có thêm sức khoẻ và thêm nụ cười để vượt qua giai đoạn đầy thử thách này", vị đại diện nói.
Song song đó, hôm 5/8, công ty này có văn bản đề xuất với Sở Giao thông Vận tải và Sở Y tế TP HCM về việc tận dụng xe GrabCar để vận chuyển thiết bị, vật tư y tế mẫu xét nghiệm (gọi là GrabCar y tế) và người bệnh (gọi là GrabCar cấp cứu).
Cụ thể, công ty đề xuất huy động 100 xe tham gia hoặc số lượng lớn hơn theo đề nghị của cơ quan chức năng. Số xe này sẽ hoạt động tại quận 12, quận 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức hoặc tại các địa bàn, khu vực mà Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải đề nghị. Toàn bộ kinh phí cho hoạt động GrabCar y tế và GrabCar cấp cứu, bao gồm các trang thiết bị cho xe và tài xế (trừ các trang thiết bị chuyên dụng cho cấp cứu) sẽ do Grab chịu trách nhiệm.
Trước đó, nhiều hãng taxi truyền thống và xe khách tại TP HCM cũng tích cực chi viện nguồn lực và nhân sự cho hoạt động chống dịch của Thành Phố. Sở Giao thông vận tải Thành phố đã cấp phép cho 500 xe taxi, bao gồm 200 xe của Mai Linh và 300 xe của Vinasun trực tại các bệnh viện, khu cách ly, trung tâm y tế để phuc vụ nhu cầu. Tại Hà Nội, Mai Linh cũng có 200 xe taxi được cấp phép vận chuyển người dân trong các trường hợp cấp thiết mùa dịch.
Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group cho biết, các hoạt động này nằm trong chiến dịch hỗ trợ cộng đồng tổng thể, được công ty nghĩ đến khá tình cờ, khi chứng kiến sự vất vả, trách nhiệm và tâm huyết của các cơ quan chức năng trong quá trình làm việc với họ.
"Tôi nghĩ bất kỳ doanh nghiệp nào như ở vị trí của chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng tham gia. Vì lúc này, làm được điều gì đó cho cộng đồng thì rất đáng quý, nhất là khi được đóng góp bằng chính công sức và chuyên môn của mình", bà Phương nói.
Chuyên gia tiếp thị trực tuyến Trương Văn Quý, Giám đốc EQVN cũng đánh giá, việc các doanh nghiệp nói chung đang ra sức hỗ trợ vào hoạt động giúp đỡ người khó khăn và phòng chống dịch của các địa phương là một nguồn lực quý, đáng trân trọng, khuyến khích. Bản thân doanh nghiệp năng nổ trong hoạt động này còn có thể nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt người dùng.
Theo ông Quý, cảm tình dành cho thương hiệu là một chỉ tiêu quan trọng hơn nhiều so với mức độ nhận biết thương hiệu, nó thúc đẩy niềm tin và hành động của khách hàng. Việc xây dựng cảm tình thương hiệu thông qua các hoạt động xã hội phù hợp sẽ góp phần phát triển những cộng đồng ủng hộ thương hiệu.
"Trong thời đại của những khách hàng được kết nối qua mạng xã hội và Internet ngày nay, cộng đồng ủng hộ thương hiệu ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của những khách hàng tiềm năng mới cũng như có thể bảo bệ thương hiệu khỏi những phản ứng tiêu cực", ông Quý chia sẻ.
Viễn Thông