Cô gái 20 tuổi Nguyễn Thị Hoa - nạn nhân chất dioxin tại Hà Tĩnh. |
Đơn kháng cáo sẽ được gửi lên tòa án liên bang Mỹ ở quận Brooklyn trước 10/4. Ông Thu cũng cho biết, thẩm phán Weinstein quyết định bác đơn kiện của các nạn nhân dioxin Việt Nam đúng vào lúc luật sư đại diện cho các nạn nhân, đại diện của Hội nạn nhân cũng như đại diện những người đứng đơn kiện đang họp hội nghị về dioxin tại Paris (Pháp). Các luật sư Mỹ cho rằng đây là một quyết định phi lý, không công bằng và bất bình thường. Ngay lúc đó, luật sư và đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam đã bàn bạc và thống nhất sẽ tiếp tục kháng án.
Hiện nay, các luật sư đang soạn thảo văn bản gửi lên tòa án, bác bỏ những lập luận của các công ty sản xuất hóa chất Mỹ cũng như những lý lẽ của thẩm phán Weinstein cho rằng chất da cam không phải chất độc và dioxin chứa trong chất diệt cỏ không có hại cho sức khỏe.
Ông Thu cho biết, sau khi nhận đơn kháng án, tòa sẽ tiếp tục nghiên cứu hồ sơ và sau đó sẽ có một buổi tranh tụng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những vụ án trước đây thì thời gian chờ đợi đến phiên tranh tụng có thể kéo dài vài tháng.
Hiện luật sư của cả hai bên cũng đã hiểu những lập luận, chứng cứ của nhau. Theo thủ tục pháp lý hai bên cũng đã cung cấp cho nhau hàng nghìn trang tài liệu để làm sáng tỏ các lập luận của mình.
Theo các tài liệu mà phía Việt Nam thu thập được, khoảng thời gian từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 110 nghìn tấn chất độc hóa học và 300 nghìn tấn chất cháy trong chiến tranh Việt Nam.
Trước lập luận các công ty hóa chất nói rằng, họ chỉ làm theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ, các luật sư Mỹ đại diện cho nạn nhân Việt Nam tuyên bố họ có đầy đủ bằng chứng rằng các công ty hóa chất cố tình che giấu chính phủ, gia tăng lượng dioxin, không nói rõ tác hại, không ghi chỉ dẫn trên sản phẩm. Theo các luật sư, họ có nhiều bằng chứng, trong đó có những biên bản ghi lại việc chữa bệnh cho công nhân làm việc ở các công ty hóa chất Mỹ, nhằm bác lại luận điểm cho rằng, lúc đó các công ty hóa chất này đã không ý thức được tác hại của hóa chất dioxin.
Những nạn nhân đầu tiên đưa đơn kiện là GS Phan Thị Phi Phi (Hà Nội), cựu chiến binh Nguyễn Văn Quý (Hải Phòng) và bà Dương Quỳnh Hoa (TP HCM). Trong thời gian diễn ra vụ kiện, vẫn tiếp tục có những nạn nhân đứng ra theo kiện. Hiện nay hồ sơ của các nạn nhân gửi luật sư Mỹ đã lên đến hàng trăm và sẽ còn nhiều hơn nữa.
GS Phan Thị Phi Phi đã nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về y học tại ĐH Y Hà Nội, song bà cũng đành bất lực trước căn bệnh của mình. Khi làm giám đốc một bệnh viện khu vực Nam Trung bộ thời chiến tranh, bà đã bị nhiễm dioxin. Chất độc này đã tước quyền làm mẹ của giáo sư. Bà đã 4 lần mang thai nhưng cả 4 đứa con đều bỏ bà khi còn chưa thành hình. |
Trịnh Vũ