Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là bột gạo được tráng mỏng trên nồi hơi và phơi khô. Ngoài nướng giòn rụm, bánh tráng còn có thể cuốn kèm cá lóc, thịt luộc...
Bánh tráng cuốn cá hấp
Loại dùng trong món này có thể là cá lóc, nục hoặc tai tượng... Khi hấp, cá sẽ giữ nguyên độ ngon, ngọt của thịt. Cách ăn là lấy một miếng bánh tráng mỏng, dấp chút nước để mềm hơn, sau đó cho cá, rau sống, dưa leo, chuối chát, khế... vào và cuộn lại thật đều tay.
Bánh tráng cuốn cá hấp sẽ thêm phần thơm ngon khi chấm với chén nước mắm chua ngọt làm từ sả, tỏi, ớt và chanh.
Bò lá lốt
Món này thường được thực khách Sài Gòn chọn thưởng thức cùng bạn bè vào những buổi chiều trời mát. Trong đó, nguyên liệu thịt bò hoặc heo được băm nhuyễn, cuốn vào lá lốt và nướng trên bếp than, tỏa mùi thơm phức.
Thực khách lấy bánh tráng, thêm bún, rau tươi như diếp cá, húng quế, xà lách... kết hợp với bò lá lốt hoặc mỡ chài, sau đó cuộn lại và chấm mắm nêm.
Don với bánh tráng nướng
Dù là món ăn gắn liền với Quảng Ngãi, don cũng có thể tìm thấy ở Sài Gòn. Những con don được rửa sạch, sau đó cho vào nồi nước sôi. Nước luộc don được để riêng và nêm nếm gia vị đến lúc vừa miệng. Khi thưởng thức, thực khách sẽ bẻ bánh tráng đã nướng giòn nhúng vào nước don, rắc thêm hành lá cắt nhỏ, hành tây, ớt và tiêu...
Chị Nguyễn Xuân Hoài, trú tại quận 10, TP HCM gợi ý: "Chỉ ăn don với nước không thì chưa đủ. Bánh tráng nướng giòn thả vào tô don mới làm món này ngon hơn".
Bánh tráng trộn
Với giá 10.000 - 15.000 đồng một bịch, bánh tráng trộn gần đây chiếm cảm tình của số đông thực khách, nhất là các bạn trẻ. Bánh tráng được xé thành những miếng nhỏ, sau đó cho thêm khô bò, khô mực, nước sốt, xoài, đậu phộng, trứng cút, rau răm... Tùy nơi mà nguyên liệu làm món này khác nhau.
Miếng bánh tráng lúc đầu giòn giòn, thấm nước sốt lại mềm hơn. Lưu ý khi thưởng thức món này là bạn không nên để quá lâu vì bánh sẽ mất ngon và dính vào nhau.
Tường Ý