Tàu lặn của Đại học Nha Trang
Ngôi trường này từng hai lần nghiên cứu và thử nghiệm thành công tàu lặn. Từ năm 2009, nhóm giáo viên và học sinh của trường đã hoàn thành mô hình tàu lặn vỏ composite. Con tàu lặn dài 1,45 m, đường kính thân khoảng 0,2 m. Nó có thể nổi trong thời gian 16 giây và lặn 58 giây. Thiết bị trên lặn sâu 5-10 m.
Chiếc tàu lặn này được cho là bước khởi đầu đặt nền móng cho việc chế tạo tàu lặn và tiến tới tàu ngầm ở Việt Nam.
Năm ngoái, một nhóm sinh viên của trường tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm mô hình tàu lặn phục vụ du lịch biển tại Nha Trang”. Lần này, nhóm làm mô hình tàu lặn với chiều dài một mét, đường kính 0,2 m. Con tàu chạy bằng điện với vận tốc hơn 20 km/giờ và có thể lặn sâu 5 m.
Tàu ngầm của Đại học Bách Khoa Hà Nội
Nhóm sinh viên bộ môn kỹ thuật thủy khí, Đại học Bách Khoa đã chế tạo thành công mô hình tàu ngầm theo nguyên lý thực, tức là khi lặn tàu sẽ bơm nước tràn vào khoang, khi nổi dùng khí nén đẩy nước ra ngoài. Chiếc tàu dài 1,9 m, cao 25 cm.
Tốc độ của tàu đạt khoảng 2m/s, lặn sâu tối đa 10 m. Thời gian hoạt động của tàu phụ thuộc nhiều vào ắc quy. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu thừa nhận chiếc tàu vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như tàu phải có phao nổi nối với thân tàu.
Các sinh viên đã tặng mô hình tàu ngầm cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân chuyến thăm tới Đại học Bách Khoa năm ngoái.
Tàu ngầm của Việt kiều
Khác với mô hình điều khiển từ xa ở Nha Trang và Hà Nội, một Việt kiều ở TP HCM đã bắt tay vào thực hiện một chiếc tàu ngầm có người lái thực thụ.
Trở về Việt Nam năm 1996, Việt kiều Phan Bội An đã mở phân xưởng nghiên cứu composite. Nhận thấy Việt Nam có điều kiện để có thể tự chế tạo tàu ngầm, ông đã bắt tay vào lĩnh vực này. Ông được cho là người đầu tiên chế tạo tàu ngầm ở Việt Nam.
Ban đầu, ông An chế tạo con tàu thân nhỏ, đủ cho một người điều khiển. Con tàu dài 3,2 m, chiều cao một mét và chiều ngang một mét. Con tàu nặng hơn một tấn và đầy đủ tính năng của một tàu ngầm. Hơn 90% linh kiện được ông An tìm mua trong nước, riêng động cơ là ông mua ở nước ngoài. Tàu sử dụng động cơ điện, có thể đạt tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ.
Sau khi chế tạo thành công, ông An mang thử nghiệm tàu ngầm ở hồ bơi của trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân TP HCM. Trước sự chứng kiến của nhiều người, con tàu được ông An điều khiển nhẹ nhàng lướt trên mặt nước rồi lặn xuống. Hiện ông An đang bắt tay vào chế tạo con tàu lớn hơn, chứa được nhiều người hơn.
Tàu ngầm của doanh nhân Thái Bình
Mới đây, thông tin về chiếc tàu ngầm của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa và đồng nghiệp khiến nhiều người bàn tán, vừa ngưỡng mộ, vừa tỏ ý ngờ vực.
Chiếc tàu ngầm mini tên Trường Sa có thể lặn sâu 50 m. Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP (động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập). Thời gian lặn của tàu là 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ tính toán là 40 hải lý/h. Mục đích khi chế tạo con tàu theo ông Hòa là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phục vụ thương mại và đánh bắt hải sản.
Theo kế hoạch, tháng 11 tới, ông Hòa và đồng nghiệp sẽ đưa tàu ngầm mini ra biển. Ban đầu, ông định chạy thử từ cảng Diêm Điền tới Bạch Long Vĩ. Nếu thành công, ở giai đoạn hai, ông sẽ đưa tàu từ Sài Gòn tới Trường Sa.
Hương Thu (tổng hợp)