Khoảng thông tầng là một giải pháp kiến trúc nhằm tối ưu khả năng thông gió tự nhiên và lấy sáng hiệu quả cho nhà phố, có thể khắc phục nhược điểm về diện tích hạn chế, thiếu ánh sáng tự nhiên. Bên cạnh đó, thông tầng còn giúp tạo điểm nhấn, tăng khả năng quan sát, có thể tận dụng trồng cây để thêm mảng xanh cho nhà ở.
Bạn cần phân biệt được sự khác nhau giữa khoảng thông tầng và giếng trời, mặc dù hai thiết kế này có tác dụng khá giống nhau. Giếng trời là khoảng không thông từ tầng một lên đến mái, hay còn được biết đến như ô thoáng đối với nhà một tầng.
Còn thông tầng áp dụng cho khoảng 2-3 tầng của một ngôi nhà, thường gặp ở nhà có gác lửng cao, chiều sâu trên 10 m. Nếu chiều sâu trên 20 m, gia chủ có thể bố trí từ 2-3 lỗ thông tầng.
Vị trí
Tùy vào điều kiện thực tế, gia chủ có thể chọn đặt khoảng thông tầng ở giữa hay cuối nhà, phòng khách, bếp, cầu thang... Trong đó, vị trí thông tầng giữa nhà sẽ tối ưu nguồn ánh sáng tự nhiên và phân bổ cho không gian xung quanh. Khi kết hợp với thang bộ và hành lang giao thông giữa các không gian, giải pháp này còn giúp tiết kiệm diện tích, tăng tính kết nối.
Thông tầng phòng khách cũng là phương án được nhiều người lựa chọn, thường thiết kế như một không gian mở, bố trí thêm tiểu cảnh, non bộ hay trồng cây phía dưới. Trường hợp đặt ở cuối nhà, khoảng thông tầng sẽ mang đến cảm giác thoáng đãng cho bếp và phòng ăn.
Ngay từ khi lên ý tưởng thiết kế, gia chủ cần tính toán kỹ về vị trí để cân đối giữa các khu vực và phát huy tối đa công dụng của khoảng thông tầng.
Tối ưu hiệu quả sử dụng
Nếu khoảng thông tầng rộng rãi, có thể bố trí phòng đọc sách, làm việc, khu vui chơi trẻ em hay không gian sinh hoạt chung dành cho cả gia đình. Dưới khu vực tầng một, nên tận dụng để trồng cây, bố trí thêm tiểu cảnh, hồ nước để tăng mảng xanh cho ngôi nhà.
Để tăng thẩm mỹ, gia chủ có thể chọn trang trí vách tường ở khoảng thông tầng bằng đá, kính cường lực, treo thêm đèn chùm.
Lưu ý về thiết kế
Thiết kế thông tầng dạng ống thẳng xuyên suốt nhiều tầng nhà ít được áp dụng trong thực tế. Vì khi đó sẽ tạo thành một đường ống truyền dẫn tiếng vang, gây ảnh hưởng đến sự riêng tư của các thành viên trong gia đình.
Đặc biệt, khu vực hành lang, cửa sổ và cầu thang giáp ranh khoảng thông tầng phải có lan can, rào chắn, hoa sắt... để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt.
Trên thực tế, tuy đã có quy định về diện tích thông thoáng tối thiểu trong thi công nhà, nhưng có rất ít gia chủ quan tâm đến yếu tố này. Để giúp tối ưu ánh sáng tự nhiên và lưu thông không khí, bạn vẫn nên cân nhắc thiết kế một hay nhiều khoảng thông tầng trong nhà.
Về chi phí, giải pháp này ít tốn kém hơn khi tính trên m2 thi công, do không phải đổ sàn bê tông. Nếu so sánh giá trị cùng m2 sàn và số tầng cao trong cùng một dạng công trình, ngôi nhà có thông tầng sẽ giảm từ 3-7% chi phí.
KTS Phạm Thế Hiệp
Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc Platform 8