Trong dịp lễ, mọi người thường di chuyển, ăn uống không điều độ, nếp sống đảo lộn, thời tiết thay đổi thất thường nên sức khỏe dễ bị ảnh hưởng. Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tư vấn nên mang theo ít băng dán cá nhân, thuốc sát trùng và một số loại thuốc cần thiết, phòng trường hợp khẩn cấp.
Thuốc cảm cúm
Khi đi du lịch, bạn có thể bị mệt, sốt, hoặc cảm cúm, sổ mũi. Do đó nên chuẩn bị paracetamol 500 mg (như Efferagal, Panadol, Tylenol) để hạ sốt, giảm đau, điều trị đau đầu, đau khớp. Mỗi lần uống một viên, ngày uống không quá 4 viên đối với người lớn. Có thể chuẩn bị thêm một số vitamin để bổ sung giúp cơ thể tăng cường đề kháng, miễn dịch.
Sau một đến hai ngày uống thuốc mà bệnh không thuyên giảm, nên đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Thuốc say xe
Khi di chuyển trên ôtô, tàu, máy bay, nhiều người bị say xe, mệt mỏi. Vì vậy nên mang theo một số thuốc chống say xe dạng viên hoặc nước để kiểm soát các triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh.
Mẹo khác là ngửi một số mùi dễ chịu như bánh mì, vỏ chanh, cam. Uống thuốc chống say theo liều lượng và thời gian mà nhà sản xuất khuyên dùng để hạn chế tình trạng say xe.
Người say tàu xe nên ngồi ở ghế phía trên gần buồng lái để giảm rung lắc trong quá trình xe di chuyển. Tuyệt đối không sử dụng điện thoại, đọc sách khi di chuyển.
Thuốc tiêu hóa, dạ dày
Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, nhiều đạm có thể gây đầy bụng, khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy. Bạn nên chuẩn bị sẵn thuốc tiêu chảy như loperamid, uống mỗi ngày hai đến 4 viên chia làm hai lần; hoặc một hộp Berberin uống khi tiêu chảy, mỗi lần 6 đến 8 viên.
Khi đi du lịch, bạn ăn uống không đầy đủ, đúng giờ nên dễ bị đau dạ dày. Nên chuẩn bị thuốc hỗ trợ giảm đau như Esomeprazole 40 mg, giảm tình trạng ợ hơi, ợ chua, đau dạ dày, liều dùng mỗi lần uống một viên, ngày một lần. Nếu không cải thiện, bạn nên đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp.
Thuốc chống dị ứng
Nên chuẩn bị thuốc chống dị ứng, điều trị sẩn ngứa như Aerius 5 mg hoặc Cetirizine 10 mg, Loratadine 10 mg. Liều uống ngày một lần, mỗi lần một viên. Tuy nhiên, bạn nên nắm rõ tiền sử dị ứng của mình, hạn chế ăn món lạ để có kỳ nghỉ trọn vẹn.
Thuốc điều trị bệnh mạn tính
Những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc điều trị do bác sĩ chỉ định. Người bị huyết áp cao, tiểu đường cần chú trọng hơn, tránh món ăn giàu năng lượng, chất béo.
Nên đeo khẩu trang, khử khuẩn để phòng tránh bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là Covid, khi đến những nơi đông người.
Minh An