![]() |
Khỉ aiai, một trong những loài thú chỉ có ở Madagascar. |
Madagascar là hòn đảo lớn thứ tư trên thế giới, bị tách khỏi châu Phi từ 88 triệu năm trước. Hầu hết trong số 200.000 loài thực và động vật ở đây là đặc hữu, không đâu trên thế giới có, trong đó đặc biệt là 100 loài động vật có vú. Chúng thuộc về 4 nhóm chính - thú ăn thịt, vượn cáo, động vật gặm nhấm và những loài ăn côn trùng giống như nhím, gọi là tenrec.
![]() |
Đảo Madagascar ở ngoài khơi Ấn Độ Dương. |
Trong nghiên cứu của mình, John Flynn, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Field ở Chicago (Mỹ), đã lập luận rằng, khoảng thời gian cách ly 88 triệu năm chưa đủ dài để các loài thú ăn thịt tự hình thành và phát triển trên đảo Madagascar. "Suy luận này đưa chúng tôi tới một giả thuyết mới: đó là các động vật đất liền đã bị quét trôi ra biển, và bằng cách nào đó chúng xoay xở để có thể sống sót qua hành trình dài gian khổ trước khi tới đảo", Anne Yoder của Đại học Yale (Mỹ), một đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết. Phân tích sâu hơn nữa, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, các con thú ăn thịt ở Madagascar đã tiến hóa từ một sinh vật giống cầy mangut, trôi giạt tới đây cách nay khoảng 21 triệu năm.
Còn trước đó, trong một nghiên cứu gene khác, Yoder cũng đã nhận thấy những con vượn cáo trên đảo là hậu duệ của một tổ tiên chung, đến hòn đảo này từ 62 triệu năm trước. Riêng với nhóm động vật gặm nhấm và động vật ăn côn trùng tenrec, tuy chưa tìm ra thời điểm mà chúng xuất hiện, nhưng giáo sư Flynn tin rằng chúng cũng phân nhánh từ hai loài riêng biệt đã vô tình lạc tới đây.
“Tất cả 100 loài từng được xem là thú bản địa của Madagascar nay có thể được giải thích là hệ quả của 4 đợt di dân tới hòn đảo này”, Flynn nói. Ông tin rằng các con vật đã cưỡi trên những khúc gỗ lớn để vượt biển.
B.H. (theo BBC)