Về mặt vật lý, cây xanh lọc không khí bằng cách hút bụi. Thực tế, bụi bám trên mặt lá cây cũng tương tự trên các đồ vật. Cần lau, rửa sạch lá để chúng có chỗ hút tiếp, giảm bụi bẩn trong không khí.
Cây xanh cũng lọc không khí về mặt hóa học. Đồ vật trong nhà làm từ chất liệu tổng hợp đều phân hủy sau thời gian sử dụng và thải khí độc như benzen và formaldehyde. Con người tiếp xúc hàng ngày sẽ hít khí độc này vào cơ thể. Cây xanh sẽ tách các hợp chất có hại này và biến chúng thành khí CO2, nước và khí nitơ trơ.
Một số loài cây có đặc tính vật lý và hóa học trên một cách nổi trội, có thể sử dụng trong nhà để thanh lọc không khí.
Dương xỉ là một trong những cây cảnh có khả năng loại bỏ các chất gây ô nhiễm không khí rất hiệu quả. Ngoài khả năng hấp thụ asen, dương xỉ còn hấp thụ tốt các chất độc hại đến sức khỏe con người như toluene, xylen, aldehyde formic... đem lại không khí trong lành và tinh thần thoải mái cho con người. Dương xỉ không kén đất nhưng khó phát triển trong nhà vì thiếu sáng, thiếu thoáng. Bạn có thể đặt cây ngoài khu vực ban công, hiên hay trước sân nhà.
Lưỡi hổ còn được gọi là cây dành cho phòng ngủ, giúp không khí thanh sạch bởi bề mặt lá có thể hút nhiều bụi. Ngoài ra, về đêm, cây có khả năng chuyển đổi khí CO2 thành O2 mà nhiều loại cây khác không làm được. Nhằm tăng hiệu quả cho việc cải thiện chất lượng không khí, trung bình cần 6- 8 cây cao ngang thắt lưng, để thanh lọc không khí trong nhà.
Cúc đồng tiền là loại cây giúp loại bỏ chất trichloroethylene - chất thường có trong các sản phẩm làm sạch khô và benzen trong không khí. Cúc đồng tiền thích hợp đặt trong phòng ngủ hoặc khu máy giặt. Hoa màu sặc sỡ và cần nhiều ánh sáng mặt trời nên ưu tiên trồng gần cửa sổ, thoáng mát.
Phong lan hấp thụ khí CO2 vào ban đêm và cung cấp O2 cho không gian sống thoáng mát. Đó là lý do nhiều người đặt hoa lan vào không gian nghỉ ngơi để cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên phong lan là loài hoa rất khó sống nếu không được chăm sóc đúng cách, đúng quy trình. Các loại phong lan khác nhau cũng có đặc tính sinh học khác nhau, cần lưu ý trong quá trình trồng và nuôi dưỡng.
Cây dừa cảnh là "bộ máy" lọc bụi và chất độc, thích hợp cho phòng khách hay văn phòng giúp loại trừ bụi bẩn lơ lửng trong không khí. Trung bình, trong phòng cần 2 cây dừa cảnh cao ngang vai là đủ lượng không khí sạch cho hô hấp. Để chăm sóc cây, cần làm sạch bề mặt lá mỗi ngày nếu ở trong môi trường nhiều bụi bẩn. Gia chủ cần mang cây ra ngoài trời khoảng 3-4 tháng một lần.
Nha đam (lô hội) là cây dân dã, dễ trồng, dễ chăm sóc và có thể bố trí ở nhiều không gian từ phòng khách, phòng ăn, nhà tắm để lọc không khí. Thỉnh thoảng bạn nên lau bề mặt lá nha đam để tăng hiệu quả lọc bụi. Loại cây này hấp thu tốt khí CO2 và nhả khí O2 về đêm nên có thể đặt trong phòng ngủ hay phòng làm việc thiếu ánh sáng.
Cây vạn niên thanh dễ trồng, sinh trưởng tốt trong nhiều môi trường và có tác dụng hút bụi, lọc không khí. Cây có khả năng hút khí độc từ máy văn phòng như máy vi tính, máy in, loại bỏ chất gây ung thư formaldehydes và nhiều chất hóa học dễ bay hơi khác. Bạn có thể đặt một chậu nhỏ hay treo một giỏ tại nơi làm việc để không khí tươi mới, sạch sẽ hơn.
Lan Ý là cây lọc không khí tốt, phù hợp trồng trong nhà, văn phòng hay cơ quan làm việc. Những khí độc bay ra từ hóa chất dùng trong bột giặt, hồ dán, nhựa, sơn, vật liệu dán tường, lớp cách nhiệt hay trichloroethylene dùng trong quá trình giặt khô đều được cây này lọc sạch sẽ. Lan Ý có thể trồng trong nhà nhưng một thời gian nên đưa ra ngoài sân để cây phát triển tốt hơn.
Hà Thành