Thứ năm, 18/4/2024
Thứ bảy, 16/2/2019, 15:03 (GMT+7)

Các lễ hội mùa xuân rực rỡ sắc màu trên khắp châu Á

Không chỉ có Tết Nguyên đán, dịp đầu năm trên khắp châu Á còn có những sự kiện khiến nhiều du khách bất ngờ.

Lễ hội đua lạc đà, Trung Quốc. Đây là hoạt động truyền thống thường niên nhằm khẳng định vai trò quan trọng của loài lạc đà hai bướu Bactrian trong cuộc sống du mục của người dân. Lễ hội thường diễn ra vào thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới. 

Du khách tham dự lễ hội còn có thể trải nghiệm cảm giác ngồi trên lưng lạc đà hoặc trên xe trượt tuyết như một phần của cuộc thi. Tốc độ lạc đà có thể đạt tới 65 km/h và duy trì ở mức 40 km/h. Ảnh: Xinhua.

Lễ hội tuyết Harbin, Trung Quốc: Năm nay, lễ hội băng tuyết Harbin tại Cáp Nhĩ Tân có hơn 100 tác phẩm điêu khắc, sử dụng gần 110.000 mét khối băng và 120.000 mét khối tuyết để xây dựng các công trình. 

Lễ hội bao gồm bốn chủ đề: tượng tuyết quốc tế ở Đảo Mặt trời, thế giới băng tuyết Harbin, thung lũng băng tuyết Harbin và công viên hoa đăng băng Thiếu Lâm. Sự kiện lần thứ 35 kéo dài từ ngày 5/1 đến 5/2. Ảnh: Tao Zhang.

Lễ hội Ati-Atihan, Philippines: Sự kiện này bắt nguồn từ thế kỷ 13 khi một nhóm người Mã Lai nhập cư. Để dễ dàng hòa nhập với người dân bản địa có làn da tối màu, họ đã sơn mặt màu đen rồi ca hát, nhảy múa bày tỏ sự biết ơn vì đã được chu cấp đồ ăn và đất để sinh sống.

Ngày nay, lễ hội vẫn giữ được những nghi lễ truyền thống. Tâm điểm của Ati-Atihan là ngày chủ nhật (tuần thứ 3 của tháng 1) với màn rước tượng chúa hài đồng từ nhà thờ Kalibo đến công viên Pastrana gần đó. Lễ rước linh đình này đã trở thành cuộc diễu hành thu hút người dân và du khách tham gia. Ảnh: Robertharding.

Lễ hội River Hongbao, Singapore: Đây là lễ hội thường niên ở Singapore. Năm nay sự kiện diễn ra từ ngày 3 tới 10/2. Du khách được chiêm ngưỡng những bức tượng khổng lồ trong thần thoại Trung Hoa như Thần Tài và 12 con giáp, biểu diễn hàng đêm của các nghệ sĩ và màn trình diễn pháo hoa trên vịnh Marina. 

Cũng trong tháng 2, ở Singapore còn có lễ hội Chingay với những nghệ sĩ mặc đồ truyền thống, đi cà kheo diễu hành đường phố. Ảnh: The Straits Times.

Tết Nguyên tiêu, Trung Quốc: Đây là một trong những ngày hội lớn nhất trong năm của người dân nước này. Tết Nguyên tiêu còn có tên gọi khác là Tết Nguyên tịch hay Tết Hoa Đăng, bắt đầu vào ngày 15/1 Âm lịch. Khi đó, mọi người thường treo đèn lồng, thả hoa đăng và ăn món bánh trôi nước để cầu mong năm mới bình an, mùa màng bội thu. Ảnh: News.

Lễ hội Sakura, Bunkyo, Nhật Bản: Hàng năm vào mùa xuân, hoa anh đào (sakura) sẽ nở khắp Nhật Bản. Thời gian này trở thành ngày hội được người dân và du khách mong chờ nhất trong năm. Mỗi địa phương sẽ tổ chức sự kiện vào một thời gian riêng, tùy vào lịch nở rộ của hoa. 

Nhật Bản còn có một hoạt động hấp dẫn khác nhưng ít người biết đến là Lễ hội Bunkyo (hoa mận), kéo dài một tháng, bắt đầu từ tháng 2, tại Tokyo. Du khách đến đây được ngắm hoa và xem trình diễn nghệ thuật truyền thống, thưởng thức trà đạo. Ảnh: Nguyễn Thành Luân.

Lễ hội câu cá trên sông băng, Hàn Quốc: Đây là một trong bốn lễ hội mùa đông lớn nhất thế giới và lâu đời nhất Hàn Quốc. Hàng năm, du khách từ khắp nơi đổ về quận Hwacheon, tỉnh Gangwon để cùng nhau câu cá hồi Sancheon, loài cá nước ngọt sống ở khí hậu lạnh cũng là một đặc sản của Hwacheon. Năm nay lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 5 tới 27/2. Ảnh: Klook.

Lễ hội Holi, Ấn Độ: Được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Phalgun theo lịch Hindu, Holi còn được gọi là “Lễ hội Sắc màu”. Đây là một trong những sự kiện quan trọng của Ấn Độ, cũng như nhiều quốc gia có cộng đồng người theo đạo Hindu sinh sống. 

Lễ hội Holi đánh dấu kết thúc của mùa đông và sự khởi đầu của mùa xuân với hy vọng vào một mùa màng bội thu. Hoạt động này cũng kỷ niệm chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Năm nay lễ hội sẽ diễn ra trong hai ngày 20 và 21/3.  Ảnh: Jerichoonline.

Khương Nha

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net