Thứ hai, 9/12/2024
Thứ năm, 2/2/2017, 07:37 (GMT+7)

Các lễ hội du xuân dọc miền đất nước

Tháng Giêng được coi là tháng của du lịch tâm linh trên khắp vùng miền, từ lễ hội một ngày như hội gò Đống Đa cho tới những lễ như chùa Hương, Yên Tử kéo dài hơn hai tháng.

Mùng 4 Tết - Lễ rước pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh)
Người dân làng Đồng Kỵ, Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh tổ chức lễ rước pháo tưởng nhớ, tái hiện âm vang ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, người ra lệnh xuất quân đánh giặc. Trong lễ hội, vài trăm thanh niên trai tráng sẽ rước 2 "ông pháo" làm bằng gỗ, dài 5-6m qua các trục đường chính về đình làng, rồi tiếp tục cởi trần rước 4 ông đám - những người tới tuổi 51 ở 4 giáp khác nhau, tượng trưng cho 4 vị tướng xuất quân đánh giặc. Ảnh: Ngoisao.

Mùng 5 Tết - Lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội)
Được tổ chức từ sáng sớm mùng 5 Tết, hội gò Đống Đa bắt đầu bằng cuộc rước thần chiến thắng, tượng trưng biểu dương khí thế quân Tây Sơn, từ đình làng Khương Thượng về gò Đống Đa. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian như: múa rồng, đấu vật, chơi cờ, chọi gà… Ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cũng diễn ra Lễ hội Đống Đa vào cùng ngày, với nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng...  thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Giang Huy.

Mùng 6 - Khai hội chùa Hương (Hà Nội)
Là lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở Việt Nam, lễ hội chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội kéo dài từ ngày mùng 6 Tết cho tới hết tháng 3 âm lịch. Để vào được chùa trước hết du khách phải ngồi thuyền xuôi dòng suối Yến thơ mộng. Trên đường đi thuyền vào chùa bạn sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh núi non xung quanh. Giá vé thắng cảnh chùa Hương năm nay sẽ tăng trên 50% (80.000 đồng/vé), giá vé đò là 50.000 đồng/người; giá vé trông giữ ôtô, xe máy không thay đổi so với năm trước. Điểm mới trong tổ chức lễ hội chùa Hương 2017 là miễn phí vệ sinh cho du khách. Ảnh: Giang Huy.

Từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng - Hội Cổ Loa (Hà Nội)
Làng Cổ Loa huyện Ðông Anh, Hà Nội gồm 12 xóm nhưng hội Cổ Loa là của chung một cụm 8 làng (trước đây gọi là Bát Xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội. Ngày chính hội được bắt đầu bằng nghi thức đại tế và lễ rước. Lễ tế được tiến hành trong tiếng nhạc của phường bát âm, trước là các chức sắc, sau đó là dân làng thay phiên nhau cầu nguyện, phù hộ cho bà con làm ăn thịnh vượng, mùa màng bội thu. Trai gái trong vùng tham gia chơi cờ người, đánh đu, đấu vật, hát quan họ. Ảnh: Lê Bích.

Mùng 7 - Chợ Viềng cả năm họp một phiên (Nam Định)
Ở Nam Định có tới bốn chợ Viềng cùng tồn tại, đó là chợ Viềng Phủ Giày (Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) và chợ Viềng Mỹ Trung (Mỹ Lộc) nhưng được biết đến và thu hút du khách nhiều nhất vẫn là Viềng Vụ Bản và Viềng Nam Trực. Từ chiều ngày mùng 7, cả hai nơi này đã rộn ràng bởi du khách thập phương đổ về. Đi chơi chợ Viềng không chỉ có người Nam Định mà tới từ khắp các tỉnh Bắc Bộ, và bắc miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa... Người ta truyền nhau rằng, có thể đi chơi khắp khu chợ từ chiều đến tối, nhưng nếu mua thì nhất định nên đợi qua 0h, rạng sáng ngày mùng 8 thì hãy mua, vậy mới thực sự là mua may cầu lành. Ảnh: Vietnambreakingnews.

Mùng 8 - Lễ hội Lồng Tồng (Tuyên Quang)
Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc. Trong ngày này, các nhà chuẩn bị bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc, xôi ngũ sắc để cúng. Ngoài phần lễ, phần hội gắn liền với các trò chơi dân gian luôn được đồng bào và du khách yêu thích như ném còn, đi cà kheo, múa rối, chọi gà, đánh đu, múa võ, kéo co, bắn nỏ và hát then. Ảnh: Đăng Trinh.

Mùng 10 - Khai hội Yên Tử (Quảng Ninh)
Từ ngày mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, du khách khắp nơi lại nô nức về Quảng Ninh trẩy hội Yên Tử. Để leo lên núi Yên Tử du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc cáp treo, vãn cảnh xuân chùa Đồng, chùa Hoa Yên, suối Giải Oan, chùa Giải Oan… Ảnh: Trần Việt Anh.

Ngày 12 - Lễ hội Cầu Ngư (Thừa Thiên Huế)
Ở huyện Phú Vang, ngư dân làng Thái Dương Hạ tổ chức lễ hội Cầu Ngư để tưởng nhớ thành hoàng làng, người có công dạy cho dân nghề đánh cá và bán ghe mành. Đây cũng là dịp những người xa quê về tham gia lễ hội linh đình như đua thuyền, diễn bủa lưới... Ảnh: Dulichdanang.

Ngày 12 đến 14 - Hội Lim (Bắc Ninh)
Lễ hội đậm chất đồng bằng Bắc Bộ mỗi năm đón hàng chục nghìn du khách. Chính hội diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng, hát quan họ trên thuyền dạng đối đáp giữa liền anh liền chị được trông đợi nhất. Các hội thi nấu cơm, cờ người, đấu võ... cũng gây ấn tượng với du khách về trẩy hội. Ảnh: Lê Bích.

Ngày 13 đến 15 - Lễ hội chùa Bà (Bình Dương)
Chùa Bà Thiên Hậu những ngày giữa tháng Giêng kín khách khắp vùng phía Nam về dâng lễ. Tâm điểm của lễ hội là Lễ cúng Vía Bà được tiến hành vào lúc nửa đêm 14 đến sáng 15. Sau đó là lễ rước Kiệu Bà đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng đội múa lân; mọi người làm lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới tại chùa và trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua. Ảnh: dulichBinhDuong.

Ngày 17- Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc)
Hội chọi trâu tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch được coi là lễ hội chọi trâu lâu đời nhất Việt Nam. Khác với trâu chọi ở nơi khác được nuôi theo hộ gia đình, tập thể thôn xã, trâu ở Hải Lựu được nuôi theo dòng họ. Trâu chọi được giao cho một gia đình tiêu biểu trong một dòng họ nuôi dưỡng. Gia đình đó phải là gia đình văn hóa, không có mâu thuẫn, kinh tế vững và được cả dòng họ biểu quyết đồng ý. Du khách thập phương về xem hội để sống trong không khí mùa xuân vùng quê và mong sức khỏe, may mắn cho cả năm. Ảnh: TTXVN.

Má Lúm

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net