Lễ hội âm nhạc mang tên Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) hôm 16/9 tại công viên nước Hồ Tây xảy ra sự cố khiến bảy người chết, nhiều người khác đi cấp cứu. Các trường hợp được kiểm tra đều dương tính với ma túy.
Sốc ma túy tại các lễ hội âm nhạc không phải lần đầu xảy ra. Hôm 15/9, tại nhạc hội Defqon.1 ở Sydney, Australia, hai người tử vong và 13 người nhập viện vì sốc thuốc. Năm 2017, Lễ hội nhạc điện tử Road to Ultra ở Hong Kong có một thanh niên tử vong, ba người khác nhập viện vì dùng chất cấm.
Điểm chung của các lễ hội âm nhạc là thu hút đông đảo người trẻ, chơi âm nhạc điện tử sôi động và kéo dài cả ngày, thậm chí cả tuần. Nhiều bạn trẻ dựng lều tại sự kiện để vui chơi và theo dõi các màn biểu diễn của thần tượng. Để duy trì tinh thần thăng hoa với âm nhạc, nhiều người lén dùng đến chất kích thích. Miley Cyrus từng nói đùa trong show diễn năm 2013 cô không biết khán giả đang "nhảy với Molly" hay "nhảy với Miley". Theo Viện quốc gia về lạm dụng ma túy Mỹ, Molly là một loại thuốc tổng hợp, tạo cảm giác hưng phấn, tràn đầy năng lượng.

Lễ hội âm nhạc Coachella thu hút lượng lớn khán giả tham dự mỗi năm.
Theo số liệu của Mashable (một trang tin tức truyền thông xã hội nổi tiếng), loại thuốc này được dùng nhiều ở những lễ hội âm nhạc như Coachella, Electric Daisy Carnival, Electric Zoo, Bestival... Khảo sát của nhóm truyền thông Take 5 ở Boca Raton trên hơn 1.000 người khắp nước Mỹ, đa số là sinh viên các đại học cho thấy, Molly là loại thuốc lắc phổ biến nhất thường được dùng ở các lễ hội âm nhạc. Cơ quan sức khỏe tâm thần và kiểm soát chất gây nghiện Mỹ cho biết số thanh niên dưới 21 tuổi cấp cứu vì biến chứng liên quan tới Molly tăng lên 10.000 ca vào năm 2011, so với con số 4.460 ca vào năm 2005.
Để chấm dứt lo lắng của nhà quản lý cũng như khán giả, ban tổ chức các lễ hội âm nhạc quốc tế nỗ lực ngăn chặn vấn nạn.
Theo Mashable, quy trình kiểm soát thường thấy ở các lễ hội âm nhạc qua ba bước an ninh. Mỗi người tham dự sự kiện phải được kiểm tra bằng máy dò kim loại ở ngay lối vào, nhằm phát hiện chất gây nổ, chất gây nghiện. Nhân viên soát vé thực hiện thêm một bước kiểm tra túi, vật dụng mang theo, gói thuốc lá, kẹo cao su bóc dở không được phép mang vào. Người xem bị kiểm tra cơ thể kỹ trước khi qua cổng. Xung quanh khu vực sự kiện, chó nghiệp vụ được cảnh sát dẫn đi nhằm tìm chất cấm, thuốc phiện...
Theo South China Morning Post, lần đầu bộ phận an ninh của sự kiện Road to Ultra năm năm nay đã trang bị máy dò kim loại và dụng cụ kiểm tra ma túy. Người đi xem ca nhạc phải cọ sát quần áo và đồ đạc vào một tờ giấy nhỏ để đội an ninh phân tích chất nổ, kim loại, tìm ra ma túy ở ngay lối vào.
Lễ hội âm nhạc Coachella thường niên của Mỹ mỗi năm thu hút khoảng 125.000 người tham dự, cùng hàng loạt sao hạng A như Beyoncé, Radiohead, Paul McCartney, Madonna... Kiểm soát ma túy là một trong những vấn đề được quan tâm, bên cạnh ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn những vụ đánh bom. Daniel Marshall của sở cảnh sát Indio chia sẻ với OC Weekly kế hoạch an ninh được lên trước cả năm ngay khi sự kiện vừa kết thúc.
"Chúng tôi kết nối với những người thực thi pháp luật địa phương để công việc dễ kiểm soát hơn. Những gì vướng mắc, các mánh khóe, sai lầm của lễ hội được đưa ra xem xét. Lượng người, số đi vào, số đi ra, lưu lượng bên trong và bên ngoài lễ hội, số người đăng ký, kiểm tra, chứng thực... phải kiểm soát được", Daniel Marshall nói.

Thùng để người xem bỏ chất cấm ở cổng vào Coachella.
Tại lối vào của Coachella, ban tổ chức đặt biển cấm chất kích thích và dược phẩm. Lệnh cấm này cũng được đăng trên website của lễ hội. Thông tin từ Reno Gazette Journal, ngoài quy trình ba bước thường thấy, cảnh sát Indio đặt những thùng nhỏ ngay cổng vào Lễ hội âm nhạc Coachella. Những chất cấm hay vật dụng không được phép mang vào khu vực lễ hội bị bỏ vào thùng.
Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát an ninh của ban tổ chức chỉ phần nào hạn chế rủi ro. Sự cố vẫn có thể xảy ra do ý thức của những người tham gia lễ hội.
Trang Mashable chỉ ra 14 chỗ người xem thường lén giấu ma túy khi đi qua cửa an ninh, ví như nhét xuống đế giày, cho ma túy vào viên thuốc, giấu trong tampon, áo ngực, bút viết... Theo PE, nhiều khán giả tới Coachella lách an ninh bằng cách ném túi qua hàng rào, nhét thuốc cấm dưới gầm xe hơi... Những kẻ môi giới, buôn bán ma túy đến tận lều của người xem để chào hàng.
Không gian lễ hội âm nhạc Coachella.
Tờ Miami Herald thống kê khoảng 63% số người mua thuốc kích thích tại các lễ hội âm nhạc từ người bán ngẫu nhiên họ gặp ở sự kiện, 25% dùng từ bạn bè và 11% mua từ những mối quen.
"Một trong những vấn đề lớn đó là không xác định được các chất pha trộn và đôi khi gây nguy hiểm tính mạng", nhóm nghiên cứu của công ty Take 5 chia sẻ. Các nghiên cứu cho thấy nhiều mẫu cần sa có dấu vết của nhôm và thủy tinh, mẫu heroin có chứa fentanyl - một chất giảm đau nguy hiểm. Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ gần đây cảnh báo về cocaine nhiễm độc chết người tại Florida. Theo đó, khi cơ quan thực thi pháp luật thu cocaine của những kẻ buôn bán ma túy trên khắp Florida, họ tiến hành một xét nghiệm kéo dài hàng năm trời và phát hiện chất kích thích có liên quan tới fentanyl bị nhiễm bẩn. "Chúng ta không thể thấy bằng mắt thường, các tác nhân này đôi khi tác động mạnh hơn những gì ngoài nhãn chất kích thích được ghi, gây hậu quả chết người", Take 5 viết trong nghiên cứu của mình.
Bất chấp những nỗ lực an ninh và các lệnh cấm, khán giả vẫn lén lút dùng thuốc, đôi khi dùng loại có lẫn tạp chất, dẫn tới cơ thể phản ứng. Ngoài ra, có nhiều chất kích thích không nằm trong danh mục cấm, người xem được phép sử dụng công khai càng khiến công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, bên cạnh kiểm soát, nhiều nước đưa ra các giải pháp khác nhau cho vấn đề dùng chất kích thích ở các lễ hội âm nhạc.
Theo trang tin PE, ở các lễ hội âm nhạc châu Âu và một số nước khác, nhà tổ chức dựng những lều chính thức, hướng dẫn người xem cách dùng thuốc kích thích an toàn, với ý tưởng dù sao cũng không thể kiểm soát hết, chi bằng nỗ lực giảm tác hại của sốc thuốc và tăng cường nhận thức khi sử dụng.
Theo CBC, tại Montebello Rockfest ở Canada năm nay, ban tổ chức dựng hai lều ở khu vực sự kiện và lập nhóm phòng chống ma túy, hướng dẫn khán giả về sự nguy hiểm của từng loại thuốc khác nhau. Họ cũng phát bộ dụng cụ naloxone - dùng để cấp cứu khi sốc thuốc do quá liều - và các giấy thử chất fentanyl, giúp khán giả kiểm tra thuốc có tinh khiết hay không. Ông Yves Séguin, giám đốc của trung tâm can thiệp và phòng chống nghiện ở Canada, tiết lộ ở sự kiện có 1.500 người tới lều xin tư vấn. Trung tâm trao 100 bộ naloxone và gần 1.000 giấy thử fentanyl.
"Mọi người đều nhận thức được sự nguy hiểm. Điều đó rất tốt. Nhưng mặt khác, nhiều người tới xin tư vấn cũng đồng nghĩa có rất nhiều người sử dụng ma túy. Với chúng tôi, sẽ tốt hơn khi ở đó và làm những công việc phòng chống, còn hơn nhắm mắt lại rồi nói: 'các bạn không được dùng, ma túy là bất hợp pháp'", Yves Séguin chia sẻ với CBC.
Trong khi đó, bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến bang New South Wales (Australia), cho rằng nên xóa bỏ các lễ hội âm nhạc để ngăn chặn rủi ro, sau sự cố tại Defqon. 1 vừa qua.