Thụ tinh ống nghiệm là gì?
Năm 1978, đánh dấu bước chuyển mình trong nền y học thế giới khi em bé được thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đầu tiên được sinh ra đời. Kể từ đó đến nay, ước tính khoảng tám triệu em bé chào đời nhờ phương pháp này. Tại Việt Nam, hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được thực hiện IVF được làm cha mẹ sau hành trình dài mong con. Việt Nam là một trong những nước thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhiều trong khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công cao và chi phí điều trị thấp.
Thụ tinh ống nghiệm IVF (In-vitro fertilization) được thực hiện để điều trị hiếm muộn cho các cặp vợ chồng mong con, có các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như có dị dạng về vòi trứng, bất thường về tinh trùng... hiếm muộn không rõ nguyên nhân, các trường hợp xin noãn, có bất thường về gen...
Các yếu tố giúp tăng tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, có bốn yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm gồm độ tuổi của người phụ nữ, thời điểm bắt đầu điều trị, phác đồ điều trị toàn diện cho cả nam và nữ; kết hợp với kỹ thuật, trang thiết bị và phòng lab đạt chuẩn.
Hai vợ chồng không sử dụng các biện pháp tránh thai trên một năm mà chưa có con cần thăm khám ngay để không bỏ lỡ "thời điểm vàng" trong điều trị. Những cơ sở có sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại cùng phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp cũng giúp hạn chế đau đớn và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Thăm khám muộn, chẩn đoán và điều trị không đúng phương pháp khiến quá trình điều trị có thể kéo dài 5-7 năm, thậm chí cả thập kỷ mới sinh được con.
Các kỹ thuật tăng tỷ lệ thành công khi IVF
Phó giáo sư Lê Hoàng cho biết, áp dụng các kỹ thuật điều trị vô sinh mới trong khu vực và thế giới tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tạo ra bước tiến nâng cao tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm. Một số kỹ thuật hiện đại đang được áp dụng trong thụ tinh ống nghiệm hiện nay như hỗ trợ phôi thoát màng, xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ, xét nghiệm phân mảnh tinh trùng...
Hỗ trợ phôi thoát màng
Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (Assisted Hatching) tăng khả năng làm tổ của phôi. Để có thể bám vào được thành nội mạc tử cung và làm tổ, phôi phải thoát khỏi lớp màng trong suốt bao bọc quanh phôi. Trong thụ tinh ống nghiệm phôi được nuôi cấy ở môi trường ngoài cơ thể và sau đó được đưa trở lại vào buồng tử cung.
Những bệnh nhân lớn tuổi, noãn bất thường hoặc quá trình đông rã và nuôi cấy dài ngày bên ngoài cơ thể có thể ảnh hưởng tới tính chất màng trong suốt, gây khó khăn khi thoát ra ngoài và làm tổ của phôi nang.
Nhằm khắc phục tình trạng này, các nhà nghiên cứu áp dụng kỹ thuật phôi thoát màng bằng việc tạo ra một lỗ thủng hoặc làm mỏng lớp màng bọc trước khi cấy phôi vào tử cung. Phôi có thể thoát ra dễ hơn và tỷ lệ phôi bám vào nội mạc để làm tổ tăng lên.
Xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ
Những nghiên cứu khoa học tiến bộ cho thấy có nhiều bệnh lý di truyền có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ sau. Xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ (Preimplantation genetic testing - PGT) là một trong những phương pháp có thể can thiệp giúp ngăn ngừa sự di truyền của các bệnh lý này.
Kỹ thuật này được phát triển từ những năm 1980 giúp phát hiện các bất thường di truyền phôi từ các cặp vợ chồng có nguy cơ truyền các bệnh lý di truyền cho thế hệ sau. Kỹ thuật góp phần tạo cơ hội cho cha mẹ sinh những em bé khoẻ mạnh, bình thường mà không phải đình chỉ thai kỳ khi phát hiện bệnh lý trong giai đoạn chẩn đoán tiền sản.
Xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ được chia ba nhóm chính và mỗi nhóm có những chỉ định khác nhau gồm sàng lọc phôi bất thường về số lượng nhiễm sắc thể (PGT-A), xét nghiệm bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể (PGT-SR), xét nghiệm các bệnh lý di truyền do rối loạn đơn gene (PGT-M).
Kỹ thuật di truyền ngày càng phát triển giúp việc tầm soát và phân loại từng đối tượng được chính xác hơn, được kỳ vọng mang đến hiệu quả cao, cho thế hệ tương lai phát triển bình thường và khoẻ mạnh.
Phương pháp điều trị với trường hợp tinh trùng có phân mảnh DNA
Tinh trùng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển của phôi và toàn vẹn DNA. Tinh trùng là yếu tố then chốt trong việc truyền đạt thông tin di truyền từ người cha. Đánh giá tính toàn vẹn DNA tinh trùng cần thiết khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Phân mảnh DNA tinh trùng là sự đứt gãy bên trong DNA. Sự phân mảnh có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và kết quả điều trị thụ tinh ống nghiệm của nam giới. DNA tinh trùng có thể bị phân mảnh trong suốt quá trình sản sinh tinh trùng hoặc với người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, nhiệt độ cao, người đang trị liệu ung thư hoặc thực hiện các biện pháp hóa xạ trị.
Phó giáo sư Lê Hoàng cho biết, có đến 30% nam giới vô sinh có các chỉ số tinh dịch bình thường nhưng chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng vượt ngưỡng. Nam giới có chỉ số phân mảnh DNA cao vượt ngưỡng thường không thể có con tự nhiên cũng như thất bại trong điều trị bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Trong chu kỳ điều trị IVF/ ICSI, chỉ số phân mảnh cao làm giảm tỷ lệ thai, tác động đến khả năng phát triển thành phôi nang cũng như tăng tỷ lệ sảy thai.
Dựa trên chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng, bác sĩ sẽ định hướng được biện pháp hỗ trợ sinh sản thích hợp cho bệnh nhân. Phác đồ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm dựa trên DFI có thể được thực hiện gồm DFI < 25% (thực hiện IUI hoặc IVF), DFI >= 25% (thực hiện ICSI).
Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
Kỹ thuật này được thực hiện thành công vào năm 1992 và mở ra hướng trong điều trị vô sinh nam. Với phương pháp này người chồng có thể có con dù có những bất thường về tinh trùng, chỉ cần một tinh trùng sống thì có thể thụ tinh.
Phó giáo sư Lê Hoàng cho biết, cần ít nhất vài trăm nghìn tinh trùng chất lượng tốt để cấy với một noãn thì với ICSI, dưới sự trợ giúp của hệ thống vi thao tác và kính hiển vi đảo ngược có độ phóng đại lớn, bác sĩ chỉ cần tiêm trực tiếp một tinh trùng vào bào tương noãn để thực hiện thụ tinh. Khác với thụ tinh tự nhiên hoặc IVF truyền thống, phương pháp này bỏ qua giai đoạn tinh trùng xâm nhập vào lớp tế bào hạt xung quanh noãn, thực hiện phản ứng cực đầu, kết hợp với màng bào tương noãn.
Trữ lạnh giao tử
Kỹ thuật trữ lạnh tinh trùng trong nitơ lỏng được thực hiện thành công ở nước ta từ năm 1995. Tinh trùng được lưu trữ trong nhiều năm mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng sau khi rã đông.
Tinh trùng được pha với môi trường bảo vệ đông lạnh sau đó được hạ nhiệt độ từ từ đến -80 độ C. Sau đó, tinh trùng được lưu trữ trong nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C. Khi cần sử dụng, mẫu tinh trùng sẽ được rã đông, theo nghiên cứu có khoảng hơn 50% tinh trùng sau rã đông còn sống sót và có khả năng thụ tinh với noãn tương đương như tinh trùng bình thường. Phương pháp này mang lại hy vọng điều trị vô sinh cũng như bảo tồn khả năng sinh sản của nam giới.
Kỹ thuật đông lạnh và lưu trữ trứng (noãn) được thực hiện thành công tại Việt Nam từ năm 2003. Theo sinh lý bình thường noãn sau khi được phóng noãn hoặc chọc hút ra ngoài cơ thể chỉ có khả năng thụ tinh trong vòng vài giờ.
Với kỹ thuật này, noãn được bảo quản trong thời gian dài mà không ảnh hưởng đến cơ chế thụ tinh sau khi rã. Noãn sau khi được lấy ra cho tiếp xúc với các môi trường bảo vệ với nồng độ tăng dần. Sau đó, noãn sẽ được đưa thằng vào nitơ lỏng theo kỹ thuật thủy tinh hóa.
Khi cần sử dụng, noãn được rã đông với tỷ lệ sống có thể lên đến 90%, noãn được rã đông có thể thụ tinh với tinh trùng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và tạo thành phôi.
Trữ lạnh phôi nang
Năm 1972, Whittingham cùng cộng sự thực hiện thành công kỹ thuật đông lạnh phôi của chuột và sau đó kỹ thuật này được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp chăn nuôi gia súc. Cho đến năm 1983 đánh giá bước ngoặt lớn về hỗ trợ sinh sản khi ca có thai đầu tiên từ phôi người đông lạnh được báo cáo tại Australia. Kỹ thuật đông lạnh phôi trở thành một trong những kỹ thuật thiết yếu trong thụ tinh ống nghiệm.
Để thực hiện kỹ thuật này, phôi sẽ được cho tiếp xúc với các môi trường bảo vệ với nồng độ tăng dần. Sau đó phôi sẽ được cho vào buồng hạ nhiệt độ khoảng hai giờ trước khi cho vào trong nitơ lỏng với phương pháp đông lạnh chậm hoặc cho thẳng vào nitơ lỏng với kỹ thuật thủy tinh hóa.
Phôi có thể được bảo quản và không ảnh hưởng đến chất lượng phôi sau rã. Người bệnh có thể sử dụng những phôi này để chuyển trong trường hợp thất bại ở chu kỳ IVF trước hoặc muốn có thêm con sau chu kỳ IVF mà không phải trải qua quá trình kích thích buồng trứng và chọc hút noãn thêm lần nữa.
Trữ lạnh mô (mô tinh hoàn, mô buồng trứng)
Trữ lạnh mô tinh hoàn là kỹ thuật sinh thiết mô tinh hoàn và lưu trữ trong môi trường đông lạnh, phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân vô tinh, không có tinh trùng trong tinh hoàn hoặc với những bệnh nhi chưa đến tuổi dậy thì đang điều trị bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai như điều trị ung thư...
Bác sĩ thực hiện sinh thiết tinh hoàn để tìm tinh trùng, mô tinh hoàn được chọn có chứa tinh trùng được bảo quản lạnh. Khi cần sử dụng, mô tinh hoàn sẽ được rã đông trong vòng một ngày trước khi chọc hút trứng và nuôi cấy tiếp trong 24 giờ. Sau đó các chuyên viên phôi học sẽ phân lập tinh trùng từ mô tinh hoàn rã đông và thực hiện kỹ thuật tinh trùng vào bào tương để tạo phôi.
Với trữ lạnh mô buồng trứng, đây được xem là lựa chọn đối với những đối tượng là bệnh nhân ung thư muốn bảo tồn chức năng sinh sản mà không có đủ thời gian để kích thích buồng trứng và thu nhận noãn trước khi điều trị, cho những phụ nữ lớn tuổi, mãn kinh sớm hoặc cho bé gái chưa đến tuổi dậy thì nhưng không may mắc các bệnh lý đe dọa đến chức năng buồng trứng.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, với trường hợp bé gái trước tuổi dậy thì không may bị cách bệnh lý như ung thư, các bệnh tự miễn thì trữ mô buồng trứng được coi là hy vọng cuối để bảo tồn chức năng sinh sản, với phương pháp này có thể bảo tồn chức năng buồng trứng về cả mặt sinh sản và nội tiết.
Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ nội soi lấy thành phần mô buồng trứng, chiết xẻ một vỏ mô buồng trứng (chứa rất nhiều trứng, nang noãn) thành những phần nhỏ và đem trữ lạnh. Bệnh nhân sau điều trị bệnh hoặc sẵn sàng với việc mang thai, phần mô được rã và cấy ghép lại vào trong buồng trứng giúp bệnh nhân có thể mang thai tự nhiên hoặc có thể ở vị trí khác dưới da như ở cánh tay, bụng dưới... để có thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Sự thành công của thụ tinh ống nghiệm đã tạo ra bước tiến trong lĩnh vực sinh sản của nhân loại. Đây là một kỹ thuật điều trị y khoa phức tạp vì cần sự kết hợp chặt chẽ và song song giữa lĩnh vực y học và sinh học, giữa các bác sĩ lâm sàng và chuyên viên phôi học.
Việc tiếp cận, áp dụng các tiến bộ trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã mang đến những đột phá giúp nâng cao tỷ lệ thành công, cho hàng nghìn gia đình hiếm muộn, chậm con được chạm tay đến ước mơ sinh ra trẻ khỏe mạnh.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) trang bị phòng Lab đạt chuẩn ISO 5 - đạt độ vô khuẩn cao với hệ thống clean room kiểm soát không khí riêng biệt, đáp ứng yêu cầu môi trường nuôi cấy, tạo điều kiện tốt nhất cho sự làm tổ và phát triển phôi trong thụ tinh ống nghiệm, giảm thiểu tối đa các yếu tố gây căng thẳng lên phôi.
IVFTA áp dụng các công nghệ và kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn mới trong khu vực và thế giới, như ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị nội mạc tử cung mỏng, suy nội mạc, sảy thai nhiều lần liên tiếp; phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ cho phụ nữ có dự trữ buồng trứng (AMH) thấp, suy buồng trứng sớm, đáp ứng buồng trứng kém, buồng trứng đa nang; xét nghiệm ERA đánh giá khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung; trưởng thành trứng non (IVM); tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI); hỗ trợ phôi thoát màng.
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT); trữ lạnh giao tử (tinh trùng, trứng); trữ lạnh mô (mô tinh hoàn, mô buồng trứng)... cùng các phác đồ tiên tiến, các loại thuốc mới... góp phần tăng tỷ lệ IVF thành công, đồng thời đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người mẹ sau này.
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh (IVFTA)
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Hotline: 1800 6858
TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Hotline: 0287 102 6789