Các nước châu Á quanh Việt Nam đón tết ra sao? Những bạn bè, cộng tác viên người bản xứ của Tuổi Trẻ kể lại những hương vị tết mà họ đã sống và cảm nhận nhiều năm qua.
Trung Quốc
Ấn tượng đầu tiên của tôi vê tết là được thức khuya cùng người nhà. Hồi nhỏ, ba mẹ tôi không cho tôi đi ngủ muộn, nhưng đêm giao thừa là cơ hội duy nhất để tôi “phá lệ” này.
Trước đêm giao thừa, còn một chuyện mà mẹ tôi thường “buộc” tôi làm đó là đi cắt tóc. Không phải vì cắt tóc nhân dịp tết có thể đem lại vận may. Ở Trung Quốc nhiều người tin rằng nếu một người đi cắt tóc vào tháng giêng thì chú và cậu của mình sẽ bị chết. Vì vậy, vào những ngày trước tết, các cửa hiệu cắt tóc đều rất đông khách. Mỗi năm, tôi đều phải chờ rất lâu để đến lượt mình.
Đến tối, mọi thành viên trong gia đình tôi quây quần bên nhau, thường là tại nhà ông bà ngoại của tôi. Trẻ em thì sốt ruột chờ đến giờ được lì xì, còn người lớn thì hàn huyên với nhau và bận rộn chuẩn bị cho bữa cơm tối.
Bữa cơm giao thừa rất có ý nghĩa đối với người Trung Quốc. Đó là dịp để tất cả thành viên gia đình gặp nhau. Trong buổi tiệc giao thừa, món ăn không thể thiếu là bánh chẻo (giống bánh quai vạc ở Việt Nam). Trước kia, người dân Trung Quốc rất nghèo, không thể thường xuyên ăn bánh chẻo. Vì vậy, người ta rất coi trọng việc ăn bánh chẻo trong đêm giao thừa. Hiện nay, đời sống khá giả hơn, người ta có thể ăn bánh chẻo lúc nào cũng được nhưng vẫn không ai quên món bánh chẻo đêm giao thừa.
Buổi sáng mồng một, cả thành phố rất yên lặng. Vào ngày đó tôi và ba mẹ thường đi thăm ông bà nội và ăn trưa với họ. Trong những ngày lễ tết người ta không chỉ thích viếng thăm bạn bè, người nhà để chúc tết mà còn đi chơi “hội làng”. Mỗi năm, hội làng thường được tổ chức ở nhiều nơi ở Bắc Kinh. Trong đó có người bán thức ăn, tổ chức các trò chơi truyền thống, trình diễn nhiều chương trình văn nghệ dân gian…
Hiện nay, người Trung Quốc được nghỉ tết bảy ngày, tức là từ mồng một đến mồng bảy. Nhưng ở nhiều vùng nông thôn, người ta ăn tết lâu hơn, có khi đến rằm tháng giêng mới hết tết.
Hàn Quốc
Ngày tết cổ truyền của người Hàn Quốc cũng diễn ra đúng vào dịp Tết âm lịch của Trung Quốc hay Việt Nam. Mồng một năm nay rơi vào ngày 18/2/2007 và chúng tôi thường đón tết trong ba ngày từ 17 đến 19/02 (Hàn Quốc cũng giống như Trung Quốc, năm Đinh Hợi chậm hơn một ngày so với Việt Nam, tức ngày 18 chứ không phải ngày 17). Ở nước chúng tôi, người ta gọi tết này là Seolnal. Đây là một trong ba ngày tết lớn của Hàn Quốc, hai ngày kia là tết Chuseok (rằm tháng tư âm lịch) và tết Dano (mồng năm tháng năm âm lịch).
Như nhiều gia đình khác, buổi sáng của ngày mồng một, chúng tôi đến chào và chúc phúc những người lớn tuổi trong gia đình. Trẻ con thường được ông bà hoặc bố mẹ lì xì. Sau đó, gia đình chúng tôi sẽ đi viếng thăm mộ tổ tiên. Nếu ngày thường lái xe mất khoảng năm giờ nhưng trong những ngày tết, có khi phải mất mười giờ mới đến nơi.
Trong dịp năm mới, chỉ có một số người mặc hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) vì nó rất đắt tiền và khá vướng víu. Mọi người thích diện Âu phục hơn. Trong ngày tết, món ăn không thể thiếu của nhiều gia đình người Hàn là món ddeokguk (như món phở của Việt Nam nhưng bánh phở được thay bằng những lát bánh gạo, ăn kèm với thịt bò, trứng…). Người ta nói rằng, ăn một bát ddeokguk sẽ được tăng thêm một năm tuổi thọ.
Nếu đến Hàn Quốc và dịp tết cổ truyền, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những nhóm người chơi trò yutnori. Đây là một trò chơi dân gian rất phổ biến ở Hàn Quốc, trong đó người chơi được chia thành hai hoặc nhiều đội. Các đội sẽ lần lượt tung những khúc gậy gọi là Yut, với các kết quả đo (tiến một bước), gae (hai bước), gul (ba bước), yut (bốn bước) và no (năm bước). Tuỳ theo kết quả mà quân cờ trên Yutpan (bàn cờ) sẽ di chuyển. Đội nào về đích nhanh nhất sẽ thắng. Hầu như người Hàn Quốc nào cũng biết và yêu thích trò chơi này.
Nhật Bản
Người Nhật đón mừng năm mới dương lịch cũng giống như hầu hết các quốc gia phương Tây. Thông thường, người dân Nhật bắt đầu chuẩn bị năm mới từ ngày 31/12. Ngày này có tên gọi là “Omisoka”, rất được coi trọng vì đây là cầu nối giữa năm cũ và năm mới. Trong ngày 31/12, người Nhật dọn dẹp nhà cửa kỹ càng từ trong ra ngoài, với niềm tin việc dọn dẹp sẽ đẩy những vận hạn xấu ra khỏi cửa và đón may mắn vào nhà.
Trong quá khứ, kể từ những ngày cuối cùng tháng mười hai, phụ nữ Nhật đã bắt đầu trang trí trước nhà, trên phố bằng các loại cây tre và thông. Cây thông luôn luôn xanh biểu hiện cho sự vĩnh hằng, còn tre mang ý nghĩa tăng trưởng nhanh, tính ngay thẳng và trung thực. Tuy nhiên, hiện nay vì lý do bảo vệ môi trường cũng như kinh tế, những cây tre và thông chỉ còn xuất hiện trên các bức tranh dán trên tường nhà.
Người Nhật thường chuẩn bị các món ăn cho ngày tết để có thể thoải mái tận hưởng những ngày đầu năm mà không bị chuyện nấu nướng làm phiền. Từ tối “Omisoka” cho đến ngày 1/1, ngày có tên “gantan”, hầu hết người Nhật mặc những bộ đồ lịch sự nhất, đẹp nhất, đặc biệt là phụ nữ rất duyên dáng trong những bộ kimono truyền thống khi đi ra đường. Ăn mặc đẹp và lịch sự là biểu hiện của trang thái tinh thần đón mừng năm mới của người Nhật. Tuy nhiên, giới trẻ ăn mặc rất thoải mái. Hầu hết đều đến các chùa và đền để cầu nguyện một năm mới an lành. Đối với người Nhật, việc đến chùa hoặc đền vào đầu năm là một nghi thức truyền thống chứ không phải là chuyện mê tín.
Trong các buổi tiệc mừng năm mới thường có rượu sake, rượu gạo truyền thống của người Nhật. Người lớn mừng tuổi trẻ em bằng các món quà hoặc tiền. Từ ngày 2/1, các hoạt động như viết thư pháp, thi đấu võ thuật, lễ hội trà đạo, cắm hoa… bắt đầu. Không khí lễ hội tràn ngập các thành phố.
Indonesia
Indonesia là một quốc gia có nhiều tôn giáo và sắc tộc, do đó cách chào đón tết cũng rất đa dạng và khác biệt. Đó là tết của người Hồi giáo (tahun Baru Hijiriah), tết của người Hindu tại đảo Bali (Tahun Baru Imlek). Thông thường nói chung, các thành phố lớn đều bắn pháo hoa đón mừng năm mới. Thanh thiếu niên trên xe máy hoặc ô tô đổ ra đường đi diễu hành xung quanh thành phố, thổi kèn, đánh trống rất rộn rã. Những sân khấu ngoài trời thường mở cửa với hàng loạt hoạt động nghệ thuật như hát, nhảy, múa rối…
Tahun Baru Hijiriah
Tết truyền thống của người Hồi giáo Indonesia được gọi là Tết Hijiriah. Trong năm 2007, ngày tết này rơi vào 20/1.
Vào đêm Hijiriah, người dân tại Hijiriah thường đến nhà thờ Hồi giáo nghe các giáo sĩ giảng đạo, đọc và lắng nghe kinh Koran, nghe những bài hát đạo Hồi. Một số tổ chức Hồi giáo mở cửa các chợ, cung cấp thực phẩm, tiền, dịch vụ y tế miễn phí cho dân nghèo, đặc biệt là người già và trẻ em.
Nói chung, ngày lễ tết của người dân Indonesia theo đạo Hồi khá trầm lắng chứ không sôi động như ngày kết thúc tháng Ramadan. Khi đó, mọi người thường xin lỗi lẫn nhau vì những va chạm trong quá khứ và đi thăm cha mẹ.
Tahun Baru Saka
Phần lớn người theo đạo Hindu tại Indonesia sống tại đảo Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng. Ngày tết ở đây thường được gọi là Nyepi, được tổ chức vào ngày 19/03/2007.
Ngày bắt đầu năm mới tại Bali vô cùng náo nhiệt và rộn rã. Tất cả dân làng cùng tập trung ở một khu vực để ăn mừng. Thức ăn được chuẩn bị trong hai ngày để phục vụ số lượng người tham gia đông đảo.
Tahun Baru Imlek
Năm 2000, tết âm lịch Trung Quốc, hay còn được gọi là Imlek, chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia tại Indonesia. Trong những ngày này, múa lân trở thành hoạt động thường nhật tại nhiều thành phố, đặc biệt là các trung tâm mua sắm. Đối với người dân Indonesia, chứng kiến múa lân là một hoạt động vô cùng thú vị.
Vào dịp Tết Imlek, các cuộc thi thể thao, biểu diễn thời trang liên tục diễn ra. Các khu chợ cung cấp thực phẩm, tiền cho người nghèo. Nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm tràn ngập màu đỏ và hình trang trí kiểu Trung Quốc. Những người gốc Trung Quốc tại Indonesia cũng hay có thói quen gửi thiếp mừng năm mới tặng bạn bè và người thân.
Campuchia
Người Campuchia đón năm mới vào giữa tháng tư dương lịch hằng năm, từ 13 đến 16/4. Tết này gọi là Bon Chol Chnam (năm mới của người Khơme), không khác nhiều so với tết của người Thái Lan và người Lào. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ sau một năm bôn ba phương xa. Chẳng hạn như tôi làm việc tại thủ đô Phnom Penh nhưng mỗi năm đều trở về quê tại tỉnh Kandal để đón tết cùng gia đình. Vì là nam giới nên tôi đảm nhận việc dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Như mọi năm, tôi luôn dành ra một khoản tiền để “lì xì” bố mẹ và ông bà cũng như mua sắm một ít quần áo mới cho họ.
Tôi rất thích không khí náo nức chuẩn bị tết, các khu chợ đều nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Người ta làm rất nhiều việc trước tết, nào là dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, nào là đi chợ mua sắm… Ngày tết, mỗi nhà đều đặt một cái bàn ở ban công hoặc trước nhà để sắp đồ cúng, trên bàn không thể thiếu hoa, trái cây, nhang, nến và nước ngọt.
Có thể thấy tín ngưỡng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân Campuchia. Thường trong ngày đầu năm mới, mỗi nhà đều có ít nhất một người đem thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng thức ăn đó lên tổ tiên của mình. Một số gia đình mời nhà sư đến nhà làm lễ cầu an cho những người quá cố.
Không biết từ bao giờ, cà ri đã trở thành món ăn không thể thiếu trong gia đình. Cả gia đình quây quần bên nhau, cùng thưởng thức món cà ri thơm lừng, cảm giác ấy thật tuyệt vời làm sao! Tôi đang nóng lòng mong đến ngày tết Bon Chol Chnam để được thưởng thức món cà ri do chính tay mẹ mình nấu.
Philippines
Tại Philippines, dù Giáng sinh là ngày lễ được chờ đợi nhất trong năm, nhưng Tết dương lịch lại là ngày vui nhất, rộn rã và náo nhiệt nhất.
Ở nơi đây, Giáng sinh là ngày để mọi người hồi tưởng quá khứ. Đó là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện đã diễn ra trong một năm qua, và cùng hướng về tương lai với những hi vọng tươi sang. Đối với người Philippines, ngày Tết biểu tượng cho sự thay đổi, hi vọng, cơ hội sửa sai và làm những điều tốt đẹp.
Cách chào mừng ngày tết của người dân Philippines vừa chịu ảnh hưởng của phương Tây lẫn Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng mang đến nét truyền thống đặc trưng. Những ngày giáp Tết, hầu hết các gia đình Philippines đều thu dọn nhà cửa, kiểm tra đồ đạc, dẹp bớt những thứ không sử dụng hoặc vô giá trị.
Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình thưởng thức vào đúng nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Món chính thường là Pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh Pudding, cùng các món ăn truyền thống khác, trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm panh hoặc rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới.
Trong bữa tiệc, các bà nội trợ thường mặc váy có chấm tròn, cũng là biểu hiện của đồng tiền xu. Người lớn sẽ chất đầy tiền xu vào túi trẻ nhỏ. Làm như vậy, họ mong muốn cả năm sẽ không phải lo lắng về chuyện tiền bạc.
Sau bữa ăn, tất cả mọi người cùng làm cách để gây ra những tiếng động rộn rã nhất và đốt pháo với niềm tin tiếng động sẽ xua đi ma quỉ. Những đứa trẻ sẽ chơi trò nhảy lên nhảy xuống, vì người Philippines tin rằng làm như vậy sẽ giúp bọn trẻ cao hơn. Những năm gần đây, chính phủ Philippines hạn chế đốt pháo, do đó nhiều gia đình chỉ ở trong nhà ngắm pháp hoa toả sang trên bầu trời.
Trong ngày đầu năm, rất nhiều người Philippines có truyền thống ngồi liệt kê những thói quen xấu mà họ muốn từ bỏ, và đưa ra một bản danh sách những mục tiêu muốn hoàn thành trong năm mới.
(Tuổi Trẻ)