GAC và các hãng xe đồng hương đang ra mắt hàng loạt xe điện thuộc phân khúc thể thao, phô diễn khả năng công nghệ cao và củng cố sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường xe điện ngày càng cạnh tranh, theo Nikkei.
Nhà máy của thương hiệu con Aion thuộc GAC đặt ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, trên diện tích khoảng 3.000 m. Trên dây chuyền sản xuất là những "bộ xương" xe, nơi các kỹ sư đang cẩn trọng lắp ráp linh kiện thủ công. Đó là nơi mẫu Hyper SSR đang thành hình.
Zeekr - thương hiệu thuộc Geely - cũng ra mắt mẫu 001 FR cuối tháng 10 vừa qua. Kimi Raikkonen - cựu vô địch F1 thế giới - được chỉ định là "giám sát hiệu suất" của FR. Tay lái này được yêu cầu tham gia tùy chỉnh khung gầm và hệ thống lái của siêu xe trước khi đích thân lái siêu xe trên một đường đua.
Ngoài hiệu suất như siêu xe, với 4 môtơ điện, 001 FR còn có tính năng đặc biệt. Xe có thể đứng tại chỗ và quay tròn giống xe tăng (tank turn, hay U-turn).
Hãng BYD cũng từng công bố kế hoạch ra mắt mẫu U9 - một chiếc siêu xe thuộc thương hiệu con hạng sang, YangWang.
Mức giá dễ chịu là nhân tố chính của sự tăng trưởng của dòng xe năng lượng mới ở Trung Quốc. Ví dụ, BYD bán được 300.000 xe điện và hybrid sạc điện (PHEV) mỗi tháng, với cả hai dòng xe này có giá khoảng 14.000-28.000 USD.
Mức độ cạnh tranh ngày càng căng thẳng ở thị trường xe năng lượng mới khi ngày càng thêm các thương hiệu góp mặt. Với các hãng, xe thể thao cho phép tạo sự khác biệt với các đối thủ bằng cách phô diễn công nghệ, như khả năng tăng tốc và điều khiển chính xác. Nâng cấp hình ảnh thương hiệu sẽ giúp việc kinh doanh ở các thị trường nước ngoài "dễ thở" hơn.
Khi đã định hình thị trường với xe giá rẻ, các hãng Trung Quốc thực hiện bước đi tiếp theo là phát triển xe thể thao. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy doanh số nội địa và cả ở nước ngoài bằng cách củng cố hình ảnh thương hiệu - một chiến lược giống các hãng Nhật đã làm vào những năm 1960.
Khi Toyota ra mắt Toyopet Crown năm 1955, chiếc sedan làm dấy lên làn sóng xe thể thao. Những năm 1960, nước Nhật chứng kiến những mẫu xe hiệu suất cao "made in Japan" ồ ạt xuất hiện.
Đó là khi Honda ra mắt mẫu S500, rồi Toyota đưa ra 2000GT. Mẫu S30 Fairlady Z của Nissan được giới thiệu năm 1969 và vẫn còn rất nhiều người hâm mộ ngày nay. Mazda cũng gia nhập thị trường châu Âu nhờ mẫu Cosmo Sport năm 1967. Mỗi hãng tạo đòn bẩy ở thị trường toàn cầu bằng cách quảng bá sức mạnh công nghệ qua các mẫu xe thể thao - chiến lược dường như đang được tái hiện ở thị trường xe điện Trung Quốc.
Mỹ Anh