Trong số 4.200 đơn vị tham gia triển lãm thương mại Automechanika diễn ra các ngày 10-14/9 tại Frankfurt, có 860 nhà cung ứng ôtô và sản xuất xe điện Trung Quốc. Lĩnh vực ôtô của quốc gia Đông Á đang bất chấp các rào cản thương mại để mở rộng sự hiện diện toàn cầu và đối phó với lợi nhuận sụt giảm trong nước.
Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc bao gồm BYD, Geely, Hongqi và GAC trưng bày xe bên cạnh các gian hàng phụ trợ. Đây là một phần bổ sung cho sự kiện thường tập trung vào các nhà cung ứng cho ngành công nghiệp ôtô, vốn là chủ đề chính của Automechanika, diễn ra xen kẽ với triển lãm ôtô Frankfurt.
Theo Victor Yang, Phó chủ tịch cấp cao của Geely, nhà sản xuất ôtô duy nhất tổ chức họp báo tại hội chợ, hãng đã bán được khoảng 200.000 xe ở châu Âu trong nửa đầu năm nay. Geely sẽ phải đối mặt với thuế quan lên tới 19,3% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc theo kế hoạch hiện nay của Ủy ban châu Âu (EC). Trước đó, hãng miêu tả kế hoạch này là "đáng thất vọng".
"Ngành công nghiệp của chúng ta chỉ có thể mạnh hơn khi chúng ta hợp tác cùng nhau", Yang nói.
Lĩnh vực ôtô Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng ra nước ngoài ngay cả khi châu Âu và Bắc Mỹ dựng lên các rào cản thương mại, nhằm ngăn chặn dòng xe điện sản xuất tại Trung Quốc khi cho rằng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng.
Trong khuôn khổ triển lãm, sự kiện EV Expo khai mạc vào 10/9, do Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) tổ chức. Sự kiện gồm những thương hiệu đã quen thuộc trên thị trường quốc tế như Geely, BYD, Hongqi, Avatr (thương hiệu thuộc liên doanh giữa Changan và hãng pin CATL), DSFK (liên doanh giữa Dongfeng và Chongqing Sokon), và CATL cùng các thương hiệu khác.
Sự hiện diện đông đảo của các nhà cung ứng Trung Quốc - gần gấp đôi số lượng các nhà cung ứng Đức tham dự - cho thấy vai trò ngày càng tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cũng mở rộng kế hoạch sản xuất tại châu Âu và các nơi khác để tránh thuế quan thương mại.
Một nghiên cứu của công ty kiểm toán PwC công bố trong tháng này cảnh báo rằng việc tập trung vào hiệu quả chi phí và khả năng tiếp cận vốn ngày càng giảm đang khiến các nhà cung ứng ở Đức gặp khó khăn hơn trong việc đầu tư vào các công nghệ tiên tiến.
Nghiên cứu cho biết các công ty Trung Quốc - thường được nhà nước hậu thuẫn - có nhiều khả năng chi tiêu cho việc cải thiện pin và phần mềm hơn, giành thị phần từ các đối thủ Đức và Nhật Bản.
Tuy nhiên, quy mô và phạm vi của Automechanika Frankfurt - với 4.200 đơn vị đến từ hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ - đã chứng minh châu Âu vẫn là trung tâm thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực này, theo Frank Schlehuber từ Hiệp hội nhà cung ứng châu Âu CLEPA.
Mỹ Anh (theo Reuters)