Sáng 26/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) phối hợp với Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ (SETI) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam". Hội thảo đưa ra nhiều thông tin về thực trạng, cùng tìm giải pháp để đưa hàng không Việt Nam vượt khủng hoảng Covid-19.
Là hãng hàng không non trẻ, cũng như các hãng "đàn anh", Bamboo Airways gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó tổng giám đốc Bamboo Airway cho biết, Covid-19 đến trong giai đoạn Bamboo Airways đang đạt trên đà phát triển. Sau hơn một năm khai thác chuyến bay đầu tiên, hãng vận chuyển 6 triệu lượt khách trên 53 đường bay nội địa và quốc tế. Hãng vừa đạt danh hiệu "Hãng hàng không khu vực hàng đầu châu Á năm 2020" do tổ chức World Travel Awards bình chọn.
Tuy nhiên, đại dịch xảy ra, đội tàu bay phải ngừng hoạt động 80-90%, số lượng chuyến bay sụt giảm. Ngoài việc mất thêm các chi phí cho hoạt động cách ly, phòng chống dịch... doanh thu của hãng cũng giảm mạnh do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hoá nội địa cũng như quốc tế ít đi.
Thay vì trông chờ vào các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài hãng đã chủ động vượt khó bằng nhiều hình thức khác nhau. Hãng huy động vốn từ cổ đông lớn, trong đó có công ty mẹ là FLC Group; làm việc với các đối tác ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn và điều chỉnh điều khoản tài chính cho phù hợp.Bamboo Airways luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án kinh doanh khả thi và tài sản bảo đảm. Doanh nghiệp thương thảo với đối tác, nhà cung cấp dịch vụ để có được các thỏa thuận về chi phí phù hợp.
Về đường bay, hãng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác, đặc biệt là đường bay ngách và các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của FLC. Đồng thời triển khai một loạt sản phẩm, combo mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường và hành khách ở thời điểm đặc thù, cải thiện đáng kể doanh thu và đóng góp tích cực vào đà hồi phục chung của thị trường.
"Nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp, hãng không những khôi phục lại hoạt động của toàn bộ đội tàu, mà còn tăng số lượng tàu lên 26 tàu, tiến tới nâng lên ít nhất 30 tàu vào cuối năm nay", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Sức bật tổng hợp
Cũng trải qua những thách thức tương tự Bamboo Airways, để tháo gỡ những khó khăn mà ngành hàng không đang gặp phải, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Hồ Ngọc Yến Phương mong muốn Chính phủ có thể chỉ định ngân hàng tham gia hỗ trợ cho ngành. "Sau 3-5 năm được trả lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp hàng không sẽ có thể vượt qua khó khăn", bà Hồ Ngọc Yến Phương cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines đề xuất giải pháp với Chính phủ và các bộ ngành như duy trì và tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khủng hoảng của đại dịch.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - PGS.TS Trần Đình Thiên đề nghị Nhà nước có giải pháp đặc biệt nhằm vực dậy ngành hàng không trong cuộc khủng hoảng lớn này, bởi đây là ngành không chỉ có vai trò quan trọng trong việc kết nối quốc tế mà còn phục vụ lợi ích chung của đất nước. Theo ông Thiên, giải pháp đưa ra cần mang tính thị trường, công bằng, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hàng không cùng đoàn kết, nỗ lực vượt qua khủng hoảng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, chủ trương phòng chống dịch tại Việt Nam là "hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân". Do đó, các hoạt động vận tải hàng không trong nhiều tháng phải ngừng vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương "giãn cách xã hội", "khoanh vùng dập dịch". Cùng với nhiều đơn vị, các doanh nghiệp hàng không có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, ngành vẫn đang đứng trước những khó khăn khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa kiểm soát, kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế đình trệ. Do vậy, hiện trạng đặt ra yêu cầu cấp thiết, trong đó doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để tìm ra những giải pháp thích hợp.
Tâm Anh