American Airlines sẽ cho nghỉ không lương 19.000 nhân viên. Trong đó có 1.600 phi công. United thì cho nghỉ 13.000 người.
Dù vậy, cả hai hãng đều nói với nhân viên rằng sẵn sàng đảo ngược việc này khi giới chức Mỹ đạt thỏa thuận về gói cứu trợ. Số nhân lực chịu tác động tương đương 13% nhân sự của các hãng trước đại dịch.
Đến nay, hàng chục nghìn nhân viên của hai hãng này, cùng Delta Air Lines và Southwest Airlines đã chấp thuận đề xuất nghỉ việc tự nguyện hoặc nghỉ phép có trả lương. Việc này nhằm giúp các hãng bay giảm nhân sự khi ngành hành không toàn cầu đình trệ vì đại dịch.
Các hãng bay Mỹ muốn có thêm 25 tỷ USD trợ cấp trả lương để duy trì việc làm cho nhân viên thêm 6 tháng nữa. Gói cứu trợ hiện tại sẽ hết hạn vào nửa đêm 30/9, theo giờ Washington. Gói này có hiệu lực từ tháng 3, cấm các hãng bay nhận cứu trợ cho nhân viên nghỉ không lương.
Hôm qua (30/9), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết việc đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về gói cứu trợ mới cho nền kinh tế Mỹ có tiến triển. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất được. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell gọi đề xuất gói 2.200 tỷ USD của Hạ viện hôm 28/9 là "kỳ quặc".
Trong thư gửi nhân viên, CEO American Airlines Doug Parker cho biết Mnuchin nói với ông rằng gói cứu trợ sẽ bao gồm cả việc gia hạn hỗ trợ cho các hãng bay. Thỏa thuận có thể đạt trong vài ngày tới. "Tuy nhiên, thật không may là chưa có gì đảm bảo các nỗ lực này sẽ cho kết quả", Parker nói.
Các hãng bay Mỹ hiện có lịch bay chỉ bằng nửa năm ngoái. Số lượt hành khách thì giảm 68%. Air Transport Action Group dự báo tác động của đại dịch lên hoạt động di chuyển có thể khiến 46 triệu việc làm mất đi trên toàn cầu.
Hà Thu (theo Reuters)