Website của Thế Giới Di Động vừa cập nhật mặt hàng đồng hồ thời trang, bên cạnh các dòng sản phẩm đồng hồ thông minh (smartwatch) đã có từ trước. Theo thông báo của đơn vị này, việc mở bán sản phẩm mới sẽ bắt đầu từ ngày 8/3 đến 17/3 với các dòng sản phẩm tầm giá trung bình thấp dưới 10 triệu đồng của một số hãng như Casio, Sheen, Edifice, Baby-G, hay Fossil.
Không thành lập một thương hiệu riêng biệt như Bách Hoá Xanh hay nhà thuốc An Khang, các sản phẩm đồng hồ sẽ được bán trực tiếp tại Thế Giới Di Động và có thể mở rộng thêm ở Điện máy Xanh. Trước mắt, việc bán hàng tập trung chủ yếu ở phân khúc online.
Đơn vị này cũng cho biết đang thử nghiệm một cửa hàng trưng bày tại TP HCM để khách hàng trải nghiệm các tính năng của sản phẩm. Việc mở rộng các chuỗi cửa hàng trưng bày dự kiến sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.
Thế Giới Di Động, thực tế, không phải chuỗi bán lẻ đầu tiên tiến vào thị trường đồng hồ, mà đi sau hai cái tên khác là PNJ và Doji.
PNJ thử nghiệm bán sản phẩm này từ năm 2012, đến nay đã cung cấp gần 1.000 mẫu đồng hồ từ 9 thương hiệu. Trong khi đó, Doji mới gia nhập từ năm 2018 với 61 mẫu đồng hồ đến từ ba thương hiệu, tầm giá trải dài từ 2 triệu tới 32 triệu đồng.
Cả hai thương hiệu này đều nhắm đến phân khúc trung bình thấp, chủ yếu có giá dưới 10 triệu đồng. "Cơ cấu này là khá hợp lý khi khách hàng nữ có xu hướng xem trọng vẻ bề ngoài đẹp và giá cả hợp lý của các mẫu đồng hồ thời trang", chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá và cho rằng việc trả hơn 10 triệu đồng cho một chiếc đồng hồ như một loại trang sức có vẻ là quá nhiều.
Theo nhận định của VDSC, thị trường đồng hồ ở Việt Nam có giá trị ước tính vào khoảng 17.000 tỷ đồng nhưng có độ phân mảnh cao và còn rất "bát nháo" về nguồn gốc sản phẩm.
"Tại Việt Nam, chỉ có một số ít cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ. Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Đây là vấn đề tồn tại lâu dài trong ngành đồng hồ", chuyên viên phân tích của VDSC cho biết.
Trong một thị trường còn tương đối sơ khai, rất khó để người tiêu dùng thông thường có thể kiểm tra tính chính hãng của mặt hàng này và người mua đồng hồ ở Việt Nam thường chỉ đặt niềm tin vào uy tín cửa hàng. Điều này là một phần hạn chế, nhưng cũng là cơ hội với những chuỗi cửa hàng lớn.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng thận trọng trong việc dự báo khả năng tấn công thị trường khi cho rằng "miếng bánh bán lẻ đồng hồ tuy rất béo bở nhưng không hề dễ ăn".
"Nhu cầu về đồng hồ, mặc dù rất lớn, không phải đều dành cho đồng hồ chính hãng – vốn có giá bán vẫn khá cao so với mức đa số người Việt sẵn sàng chi trả. Độ bền cao của đồng hồ (kể cả đồng hồ giả) và không cần phải bảo trì thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến hàng xách tay trở nên phổ biến bởi giá thường rẻ hơn đáng kể so với mua trong nước", chuyên viên VDSC bình luận.
Minh Sơn