Không dám mở rộng hiện đại đường sắt mà chấp nhận duy trì vĩnh cữu đường sắt lạc hậu khổ hẹp chỉ 1 mét để thành một “bảo tàng đường sắt cổ”. Hàng không thích bay vòng kinh tế hơn bay thẳng để chuốc lấy thua lỗ và phá sản, đi sau nông dân Nam Bộ về chế tạo máy bay thì làm sao mà sánh vai hội nhập được với các nước trong ASEAN, chưa nói tới các nước văn minh hiện đại ở châu Âu – châu Mỹ.
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, từ công cuộc đổi mới (1986) đến nay nước ta đã gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực, nhưng ngành Giao thông vận tải nước nhà đang gặp nhiều bài toán chưa có lời giải. Đó là nỗi đau chung của tất cả 1000 giáo sư, tiến sĩ giao thông vận tải.
Giao thông nước nhà vì sao nên nỗi?
Khác với nhiều quốc gia bị chia cắt với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ thì nước ta nằm trong lục địa không bị ảnh hưởng bởi núi lửa, động đất sóng thần… có hệ thống giao thông đường bộ phủ khắp toàn quốc , đến tận từng thôn xã, dọc đất nước là hai tuyến đường quốc lộ số 1 cùng đường Hồ Chí Minh kết nối hai miền Nam Bắc và quốc tế. Với 3200 km chúng ta có một hệ thống 168 cảng biển phủ khắp từ bờ đến hải đảo với số lượng nhiều hơn các cường quốc như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản.
Tuy nhiên, đã 25 năm sau đổi mới, đường sắt quốc gia đang rệu rã xuống cấp gây ra nhiều vụ lật tàu, thị phần vận tải chỉ còn đảm đương chỉ được 6% , thua xa cả loại hình vận tải đường sông. Đã thế hiện nay các giáo sư tiến sĩ ngành đường sắt lại đi kiên cố hóa toàn bộ hệ thống bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực khổ 1 mét sẽ kéo dài sự lạc hậu của đường sắt quốc gia thêm 110 năm nữa, quay lùi bánh xe lịch sử trở về thế kỷ thứ XIX.
Đường sắt khổ 1m khiến cho tai nạn giao thông tăng cao. Ảnh minh họa |
Hàng không với tiềm năng lợi thế đứng đầu các nước ASEAN về cơ sở hạ tầng với trên 50 sân bay với tổng diện tích gần 500 km2 gồm 9 sân bay quốc tế hiện đại mà năng lực chuyên chở hiện nay chỉ đạt 12 triệu hành khách/năm, chiếm 12% thị phần, xếp gần cuối bảng, sau Thái Lan, Malaysia, Philippines. Những nước có dân số ít hơn ta, thua xa Singapore, nước chỉ có 3 triệu dân và chỉ có một sân bay, chất lượng phục vụ thua xa hàng không Lào.
Vận tải biển chưa phát huy được lợi thế hạ tầng, lại rơi vào nợ nần, thị phần cũng chỉ đạt 10%. Như vậy, cả ba nghành GTVT công cộng, hiện đại chủ lực được toàn dân kỳ vọng nhất chỉ còn đảm đương được 28%, còn lại thị phần hành khách và hàng hóa khác dồn lên đường bộ và đường sông mà đường bộ là chủ yếu phải gánh 65%. Trong khi diện tích của hạ tầng giao thông đường bộ có giới hạn nhất định thì phương tiện giao thông tư nhân phát triển ồ ạt tràn ngập phố phường gây chật chội, hỗn loạn.
Nhìn thẳng vào sự thật, giá trị “chất xám” trong 1000 luận án tiến sĩ còn thiếu chiều sâu nội dung, chưa nắm bắt các nhu cầu thực tế của giao thông nước nhà, không ai chịu nghiên cứu mở rộng đường sắt, không có một luận án nào nghiên cứu hạch toán kinh tế hàng không … Nhiều luận án tiến sĩ chỉ có hình thức, thiếu nội dung, xa rời khoa học, duy ý chí, giáo điều, khi vận dụng vào thực tiễn sản xuất đã để lại những hậu quả nặng nề như Vinashin, thảm họa S1, E1, thảm họa cầu Ghềnh, thảm họa cầu Cần Thơ, bê bối PMU 18 , CPI … Đau đớn nhất là đại họa tai nạn giao thông với mỗi năm trên 12 000 người chết, hàng vạn người khác bị thương, thiệt hại kinh tế hơn 1 tỷ USD.
Những thiệt hại đó có phần trách nhiệm của tất cả trí thức ngành GTVT.
Không làm được thì học tiến sĩ để làm gì?
Trong thời kỳ đổi mới khoa học công nghệ và hội nhập phát triển, Việt Nam đã đóng mới được tàu viễn dương hàng chục vạn tấn… thì các giáo sư tiến sĩ của chúng ta không dám mở rộng hiện đại đường sắt mà chấp nhận duy trì vĩnh cửu đường sắt lạc hậu khổ hẹp chỉ 1 mét để thành một “bảo tàng đường sắt cổ”. Hàng không chấp nhận cơ chế “gà què ăn quẩn cối xay” với triết lý bay vòng kinh tế hơn bay thẳng để chuốc lấy thua lỗ và phá sản. Đi sau cả nông dân Nam Bộ về chế tạo máy bay thì làm sao mà sánh vai hội nhập được với các nước trong ASEAN, chưa nói tới các nước văn minh hiện đại ở châu Âu, châu Mỹ!
Phải thấy rằng, chúng ta đang đứng hàng đầu ASEAN về trí thức giao thông vận tải với hàng chục trường ĐH, viện nghiên cứu, học viện hàng không … hơn 1000 giáo sư, tiến sĩ được đào tạo trong nước và nước ngoài trên mọi lĩnh vực kỹ thuật cầu đường, đường sắt, sân bay, bến cảng, vỏ tàu, đầu máy toa xe, kinh tế vận tải, cơ khí hàng không, kinh tế hàng không… Vậy mà nhiều giáo sư tiến sĩ lại than rằng: “ Không thể mở rộng được đường sắt khổ 1.435 mm, nếu mở rộng đường sắt sẽ phải làm mới hoàn toàn cầu hầm, sẽ làm gián đoạn hoạt động giao thông tới 3 năm, ngụy biện “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng” hàng không thua lỗ là “ bất khả kháng”. Vậy thì học tiến sĩ, làm giáo sư để làm gì?
Đường đường là giáo sư tiến sĩ giao thông vận tải với lực lượng hùng hậu tới hơn 1000 người mà “ trùm chăn” chờ nhân dân hiến kế thì còn gì danh dự. Nhìn thẳng vào sự thật, đây là “ thành tích” đáng hổ thẹn của các giáo sư tiến sĩ chúng ta.
Dũng cảm, thông minh, sáng tạo là lối thoát danh dự
Khi Tổ quốc lâm nguy, rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, sinh viên giao thông vận tải đã tình nguyện xếp bút nghiên ở các trường ĐH, viện nghiên cứu để ra mặt trận, dùng trí thông minh và lòng yêu nước để vô hiệu hóa bom từ trường, thủy lôi, cây nhiệt đới. “Đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến”, không tiếc máu xương cho mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt …
Trong thư gửi cán bộ nhân viên toàn ngành nhân 66 năm ngày truyền thống, tư lệnh GTVT Đinh La Thăng đã đưa ra một quyết sách mới là “dũng cảm, thông minh, sáng tạo”. Tôi cho rằng đó là mệnh lệnh lịch sử, là phương châm hành động cho Bộ GTVT trước một thời kỳ mới.
Khẩu hiệu này sẽ kích hoạt lương tâm và trách nhiệm, coi trọng tính mạng nhân dân và lợi ích cộng đồng để đẩy lùi các “nhóm lợi ích” trong đội ngũ giáo sư, tiến sĩ Giao thông vận tải.
Đã đến lúc tất cả các giáo sư tiến sĩ chúng ta phải biết chui ra khỏi “tấm chăn" vị kỷ của mình. Cần dũng cảm minh bạch phản biện và tiếp thu phản biện trong từng luận án tiến sĩ, phải đặt câu hỏi công trình đó nghiên cứu về cái gì? Dự án đó phục vụ cho ai, hiệu quả sẽ mang lại những gì và phải chịu trách nhiệm nghiêm túc về tính khả thi. Phải có đạo đức nghề nghiệp của trí thức trong phản biện khoa học, phản biện xã hội, hiệu quả của các luận án tiến sĩ, các dự án kinh tế kỹ thuật, phải phân tích tác động xấu - tốt đến đời sống cộng đồng cho cả hiện tại và tương lai của muôn đời con cháu.
Mỗi một giáo sư, tiến sĩ phải biết chịu trách nhiệm về chữ “ tôi” để không “trùm chăn” đổ hết trách nhiệm lên đầu 1000 giáo sư tiến sĩ chúng ta!
Phải thấy rằng: “ Dũng cảm, thông minh và sáng tạo“ là mệnh lệnh lịch sử - cấp bách mà tư lệnh Đinh La Thăng đang chiếu thẳng hướng trách nhiệm vào “chúng ta” để hóa giải được thực trạng hỗn loạn giao thông hiện nay. Và đó cũng là trách nhiệm vinh quang của 1000 giáo sư tiến sĩ giao thông vận tải trước thời cơ lịch sử để xứng đáng với Nhân dân!
TS Trần Đình Bá
Bài viết cùng tác giả:
> Vì cớ gì Bộ trưởng cấm quan chức GTVT chơi golf?
> Đường sắt cao tốc - ý tưởng của những người thích đùa