Số liệu của Moody’s ước tính các gia đình phải chi thêm lần lượt 82,6 USD và 72,1 USD một tháng cho chỗ ở và thực phẩm. Ngoài ra, họ còn mất thêm tiền điện - nước - chất đốt (tăng 47,33 USD), chăm sóc sức khỏe (tăng 17,97 USD), giải trí (tăng 15,27 USD) và đồ uống có cồn (tăng 2,67 USD).
Cục Thống kê Lao động Mỹ mới đây cũng cho biết người Mỹ đã chi nhiều hơn 11,8% cho hàng tạp hóa so với một năm trước. Giá trứng tại nước này đã tăng gần 60% trong năm qua. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1973, một phần vì khủng hoảng nguồn cung do cúm gia cầm.
Tuy nhiên, về tổng thể, một số khó khăn từ lạm phát đang được xoa dịu nhờ tốc độ tăng giá tiêu dùng hạ nhiệt trong những tháng gần đây. Cùng với đó, tiền lương cũng đang tăng với tốc độ nhanh hơn lạm phát.
Trước đó, khi lạm phát lên kỷ lục vào tháng 6/2022, một gia đình Mỹ điển hình phải chi thêm 502 USD mỗi tháng so với cùng kỳ 2021, theo Moody's. "Tiến triển rõ rệt trong cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ đã xuất hiện vào những tháng cuối năm", Matt Colyar, nhà kinh tế tại Moody's Analytics, nói.
Tháng 12, giá của hàng chục sản phẩm, gồm vé máy bay, thịt gà và giày dép đã giảm. Giá xăng cũng là một điểm sáng. Người Mỹ đã tiết kiệm được 1,55 USD mỗi tháng so với tháng 12/2021.
Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng (CPI) nói chung đã giảm 0,1% so với tháng 11. Đây là mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, CPI vẫn tăng 6,5% so với tháng 12/2021.
Cảm nhận của người Mỹ về nền kinh tế cũng đã được cải thiện vào đầu tháng 1, đạt mức cao nhất trong 9 tháng, theo khảo sát về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan. Lạm phát kỳ vọng của người tiêu dùng cũng giảm tháng thứ tư liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021.
Phiên An (theo CNN, WSJ)