4 công ty này thuộc sở hữu của 4 gia đình giàu nhất Hong Kong (Trung Quốc): CK Asset của nhà Li, Sun Hung Kai Properties của nhà Kwok, Henderson Land của nhà Lee và New World Development của nhà Cheng.
Tính từ tháng 4/2019, cổ phiếu niêm yết trên sàn Hong Kong của các công ty này giảm khoảng 35%. Tổng vốn hóa giảm từ 132 tỷ USD xuống 86 tỷ USD. Trong đó, New World và Henderson giảm mạnh nhất, với lần lượt 62% và 40%.
"Đây chắc chắn là thời kỳ khó khăn hơn cả, nếu so với quá khứ", John Burns – Giáo sư quản trị công tại Đại học Hong Kong cho biết. Ngoài việc giá bất động sản giảm và cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ năm 2019 khiến kinh tế Hong Kong đi xuống, Bắc Kinh hiện còn "siết kiểm soát các tài phiệt".
Vài thập kỷ qua, giá bất động sản tăng đã giúp các gia đình giàu nhất Hong Kong mở rộng việc kinh doanh sang bán lẻ, cơ sở hạ tầng và viễn thông. Nhưng năm qua, doanh số bán nhà đã giảm 40%. Giá nhà cũng giảm 15%. Lợi nhuận Sun Hung Kai và New World Development xuống lần lượt 36% và 14% nửa cuối năm ngoái. Lợi nhuận Henderson Land mất 29% năm ngoái.
CK Asset – công ty sáng lập bởi người giàu nhất Hong Kong Li Ka-shing – ghi nhận lợi nhuận tăng năm ngoái, bất chấp doanh thu từ bán nhà tại cả Hong Kong và Trung Quốc đại lục đi xuống. Nguyên nhân là bán bớt tài sản và mảng nhà hàng tại Anh có lợi nhuận.
Các hãng này còn chịu ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Năm ngoái, họ đạt tổng doanh thu 4,8 tỷ USD – giảm 40% so với năm trước đó và là mức thấp nhất kể từ 2019.
Dù vậy, thị trường bất động sản yếu đi cũng là cơ hội cho các tài phiệt bất động sản Hong Kong. CK Asset và Sun Hung Kai đã trở thành hai doanh nghiệp đấu thầu tích cực nhất các lô đất thương mại và nhà ở khi các đối thủ Trung Quốc đứng ngoài và doanh nghiệp nước ngoài giảm hiện diện tại đây.
Với việc nhiều diện tích văn phòng mới sắp hoàn thành trong các năm tới, dấu hiệu hồi sinh của ngành bất động sản đang tăng lên. Đầu tháng 3, Sun Hung Kai bán được hết 352 căn hộ trong một dự án mới trị giá hơn 255 triệu USD. Giá nhà cũng giảm 7% kể từ đầu năm nay, theo hãng môi giới bất động sản Centaline.
Heron Lim – nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics cho rằng các hãng bất động sản Hong Kong không vay nợ nhiều như các công ty Trung Quốc. Vì thế, khi vào giai đoạn hồi phục, "các công ty Hong Kong có vị thế tốt hơn".
Hà Thu (theo Financial Times)