Kieran Maguire - giảng viên về tài chính bóng đá của Đại học Liverpool - mới công bố nghiên cứu về số tiền mà mỗi đội Ngoại hạng Anh có thể chi tiêu trong các kỳ chuyển nhượng sắp tới mà không vi phạm FFP.
Nghiên cứu cho thấy Tottenham được chi nhiều nhất, sau một thập kỷ bội thu lợi nhuận và thắt chặt mua sắm. Cụ thể, Tottenham có thể dùng 540 triệu USD chiêu mộ tân binh, tức gấp đôi đối thủ cùng thành phố Arsenal, và nhiều hơn đáng kể so với Chelsea, Liverpool, Man City hay Man Utd.
"Chi tiêu chuyển nhượng ròng của Tottenham từ năm 2010 đến nay chỉ bằng một nửa hoặc một phần tư so với các đội trong nhóm Big 6. Tottenham cũng là CLB thành công nhất trong việc giữ mức lương thấp so với tỉ lệ thu nhập. Tottenhham có mô hình kinh doanh, chứ không xây dựng chiến lược mua sắm rầm rộ để hướng tới danh hiệu", Maguire nói với Sports Mail.
FFP cho phép các CLB, với những chủ sở hữu giàu có, làm ăn thua lỗ số tiền 140 triệu USD trong ba năm. Nhưng khoảng thời gian này có thể được kéo dài hơn, nếu trong quá trình nợ, các đội chứng minh được thêm các nguồn thu hoặc các dự án thúc đẩy tăng nguồn thu.
Theo nghiên cứu kể trên của Maguire, Antionio Conte - người mới nhậm chức ở Tottenham - có điều kiện tốt bậc nhất trong các đồng nghiệp tại Ngoại hạng Anh. HLV Italy từng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư đội hình với tham vọng của ông. Conte chia tay ba CLB gần nhất - Inter Milan, Chelsea và Juventus - vì bất đồng với giới chủ trong chính sách chuyển nhượng, cũng như quyền kiểm soát tại CLB.
Nhưng Tottenham của chủ tịch Daniel Levy không phải là đội có thói quen chi đậm mỗi khi kỳ chuyển nhượng mở cửa. Theo nghiên cứu của Maguire, trong giai đoạn 2010-2020, Tottenham có lợi nhuận trước thuế là 540 triệu USD, so với khoản lỗ khổng lồ ở Man City và Chelsea, cũng như lợi nhuận trước thuế 170 triệu USD tại Man Utd. Ngoài ra, chi tiêu chuyển nhượng ròng của "Gà trống" từ năm 2010 đến nay chỉ bằng một nửa hoặc một phần tư so với các đội trong nhóm Big 6.
Xếp sau Tottenham lần lượt là Liverpool (365 triệu USD), Man Utd (325 triệu USD), Chelsea (320 triệu USD) và Arsenal (270 triệu USD). Nhà ĐKVĐ Man City chỉ đứng thứ 12 theo nghiên cứu của Maguire, với 112 triệu USD.
Newcastle - CLB vừa được Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) mua lại với giá hơn 400 triệu USD - có thể chi 270 triệu USD để tăng cường lực lượng. Nhưng nếu lập tức vung tiền ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông, Newcastle có thể bị giới hạn chi tiêu ở kỳ chuyển nhượng hè 2021, và sau đó.
"Newcastle vẫn có thể chi tiêu như vậy, ngay cả khi không có vụ tiếp quản vừa rồi. Nhưng với những ông chủ mới, Newcastle có thể chi tối đa số tiền cho phép, bởi họ có đủ nguồn lực để làm điều đó. Newcastle thậm chí có thể tiêu nhiều tiền hơn, nếu họ bắt đầu thực hiện các hợp đồng thương mại mới", Maguire tiết lộ thêm.
Everton thảm nhất trong 20 CLB Ngoại hạng Anh hiện tại, khi nhận mức chi âm, theo nghiên cứu của Maguire. Hè 2021, Everton kiếm được 17 triệu USD lợi nhuận ròng từ chuyển nhượng. Nhưng trong ba mùa trước đó, họ lỗ ròng 210 triệu USD khi chiêu mộ Allan, Ben Godfrey, Richarlison và Alex Iwobi, cùng nhiều cầu thủ khác.
Burnley có khả năng chi 230 triệu USD mà không vi phạm FFP. Nhưng mức đầu tư đó không có khả năng thành hiện thực, và có thể sẽ phá hủy CLB.
Hồng Duy (theo Sports Mail)