![]() |
Các điểm trông xe thường dàn thành nhiều hàng, lấn chiếm đường. |
- Năm nào Ban thanh tra cũng tập trung lực lượng để giải quyết nạn trông giữ xe trái phép, nhưng dường như không mang lại hiệu quả?
- Tình trạng các điểm trông giữ xe đạp, xe máy không phép, chiếm dụng lòng lề đường, lấy giá cao quá mức quy định diễn ra phổ biến và là vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua, nhất là trong dịp lễ tết. Chính vì thế, UBND thành phố Hà Nội đã ra quy định về việc quản lý dịch vụ trông giữ xe. Tuy nhiên, lượng xe máy bùng phát đến nỗi không thể kiểm soát được, trong khi các điểm trông giữ của thành phố lại không tăng.
Hơn nữa, theo quy định của Luật giao thông đường bộ và Nghị định 36/CP, các cơ quan xí nghiệp khi làm nhà, xây dựng công sở phải có điểm trông giữ xe cho khách đến làm việc. Nhưng cơ quan lại triệt để khai thác diện tích đất, nên việc bùng phát điểm trông giữ xe là tất yếu.
- Có khó khăn gì trong việc xử phạt các điểm trông giữ xe đạp, xe máy trái phép hiện nay?
Toàn thành phố hiện có hơn 300 điểm trông giữ xe trái phép. Hoàn Kiếm là quận tập trung nhiều nhất với hơn 100 điểm, kế đó là Đống Đa, Hai Bà Trưng. Năm 2002, Ban thanh tra giao thông đã xử phạt 344 điểm với số tiền 64 triệu đồng. Trong đó Hoàn Kiếm là 144 điểm, thu 29 triệu đồng tiền phạt. |
- Văn bản pháp luật của chúng ta còn thiếu, xác định trách nhiệm của bên liên quan chưa rõ ràng nên có tình trạng "cha chung không ai khóc". Sở GTCC chỉ có trách nhiệm kiểm tra, xử phạt điểm trông giữ không giấy phép, lấn chiếm lòng lề đường, đất công, chứ không thể kiểm tra những điểm trong khu tập thể, nhà dân.
Ngành thuế phát biên lai, tích kê thu tiền trông xe, song không có trách nhiệm kiểm tra, xử phạt những điểm thu quá giá. Quản lý nhà nước của chính quyền địa phương cũng không tốt, còn lơi lỏng. Mặt khác, theo quy định những điểm trông xe không giấy phép, lấn chiếm đất công chỉ bị phạt 200.000 đồng, nếu tái phạm nhiều lần thì 400.000 đồng. Chỉ cần trông giữ một trăm xe trong một đêm là họ có thừa tiền nộp phạt. Tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng với những điểm cố tình vi phạm thì cho thanh tra được áp dụng phạt theo điều khoản kinh doanh dịch vụ với mức 2 triệu đồng, nhưng chưa được chấp nhận.
- Ban thanh tra đã làm gì để lập lại trật tự giao thông, giảm thiểu các điểm trông giữ xe trái phép trong dịp Tết Quý Mùi?
- Chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng, thậm chí cả những đội thanh tra chuyên ngành như vận tải, đường thuỷ nội địa kết hợp với 11 đội thanh tra quận huyện tăng cường kiểm tra các điểm nóng, dễ bùng phát nạn trông xe trái phép; đồng thời phối hợp với UBND các phường, chi cục thuế, tài chính để xử lý các điểm trông xe. Tuy nhiên, trước đây sự hợp tác này chưa hiệu quả. Chúng tôi đã nhiều lần mời thanh tra tài chính, thuế cùng đi kiểm tra, nhưng họ không chịu. Mà trách nhiệm xử phạt những điểm trông quá giá chỉ có thanh tra tài chính mới làm được.
Ngoài ra, chúng tôi cũng lập đường dây nóng số 976011 và 8217922. Nếu người dân phát hiện nơi nào có vi phạm về trông giữ xe, xin báo để chúng tôi xử lý.
- Để giải quyết tận gốc nạn trông giữ xe trái phép, ông có đề xuất giải pháp nào?
- Ở một số đường ngang không nằm trên tuyến phố văn minh thương mại, phố cụt hoặc những nơi có vỉa hè trên 5 m như Hàng Ngang, Hàng Gai thì địa phương nên dành ra 1-2 m để lập điểm trông giữ xe đạp, xe máy. Chính quyền địa phương nên hy sinh quyền lợi, đồng thời bàn bạc với công an, ngành giao thông để sắp xếp các điểm trông giữ xe. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích cục bộ, không chịu dành đất thì không tài nào giải quyết nổi vấn đề này.
Thành phố cũng cần có chế độ khen thưởng với những địa phương làm tốt việc quy hoạch điểm trông giữ xe. Như thế mới động viên được chính quyền tham gia tích cực vào công việc này.
Như Trang thực hiện