Bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, đề xuất như trên tại cuộc họp phòng, chống dịch Covid-19 chiều 4/3. Theo đó, các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được hoạt động song phải thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Riêng đối với di tích chùa Hương, đơn vị sẽ họp với Ban tôn giáo thành phố và huyện Mỹ Đức để xem xét thời gian đề xuất mở cửa.
Ngoài ra, đại diện Sở văn hóa và Thể thao cũng kiến nghị thành phố cho phép tổ chức một số hoạt động thể thao không tập trung đông người.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là cần thiết để đáp ứng nguyện vọng của người dân dịp đầu năm. Tuy nhiên, việc nới lỏng các hoạt động cần thận trọng và dự trên cơ sở phân tích kỹ tình hình trên từng địa bàn cụ thể.
Vì vậy, lãnh đạo thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tôn giáo thành phố cùng các quận, huyện căn cứ tình hình dịch tại địa phương, chủ động quyết định thời gian mở cửa di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, bắt đầu từ 8/3 nhưng "tuyệt đối không tổ chức lễ hội".
Lãnh đạo Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức một số các hoạt động thể thao với quy mô nhỏ, đảm bảo phòng dịch.
Trước đó, các điểm di tích, đền chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ở thủ đô đóng cửa từ 0h ngày 16/2 để ngăn nguy cơ Covid-19 lây lan. Từ ngày 2/3, thành phố cho phép nhà hàng kinh doanh ăn, uống phục vụ trong nhà được mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo giãn cách một mét với khách, hoặc có tấm chắn giữa chỗ ngồi; khuyến khích bán hàng mang về.
17 ngày qua, thành phố không ghi nhận ca mắc nhiễm mới. Toàn bộ 18 điểm liên quan đến các ca mắc đã kết thúc phong tỏa.
Bộ Y tế chiều 4/3 ghi nhận 6 ca dương tính nCoV, đều ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tổng số ca nhiễm cộng đồng hơn một tháng qua là 879, ghi nhận ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (695), Quảng Ninh (61), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hà Giang một ca.
Tất Định