Thực tế dạy - học văn trong nhiều năm qua chỉ ra một vấn nạn đáng buồn là tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, học văn mẫu tràn làn không thể nào kiểm soát được. Thành ra bài văn nào cũng na ná nhau theo những khuôn có sẵn được chép trong sách mẫu hay được thầy cô giáo ôn cho. Ngày càng hiếm những bài văn có chất được viết ra từ khả năng sáng tạo và sự tư duy tích cực của học sinh.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những nguyên nhân lớn theo tôi là do cách ra đề văn trong nhà trường. Chúng ta chừng như đã quá quen, thậm chí nhàm chán trước những cách ra đề ít nhiều mang tính công thức như “hãy trình bày”, “hãy bình luận”, “hãy giải thích”, “hiểu thế nào”, “muốn nói gì”… Theo những đề văn như thế, đáp án cũng buộc học sinh phải thể hiện được đầy đủ hệ thống ý, thiếu ý nào sẽ trừ điểm ý đó.
Nhiều thầy cô giáo vì muốn học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi cũng đã gò các em vào những bài bản máy móc như phần mở bài thì giới thiệu như thế này, phần thân bài thì phải có những ý này… Cách ra đề văn như thế sẽ đóng đinh suy nghĩ, cảm xúc của học sinh vào những ý mà người ra đề định hướng. Các em sẽ không thể thể hiện được những suy tư, cảm xúc riêng của mình. Từ đó bài của em nào cũng bấy nhiêu ý; cũng một cách lý giải, lập luận giống nhau như một sự “đồng phục” về tư duy. Không thể có những bài văn sáng tạo, thể hiện được cá tính của người viết.
Yêu cầu bức thiết đặt ra là phải đổi mới cách ra đề văn theo định hướng phát triển năng lực, tôn trọng tiếng nói cá nhân, truyền cảm hứng sáng tạo và khơi gợi sự độc lập tư duy cho học sinh. Phải tiến tới một cách ra đề như thế nào để mỗi bài văn các em viết ra phải là sản phẩm của chính các em chứ không phải là một sự sao chép gần như nguyên vẹn những điều thầy cô giáo đã dạy hay được chép trong sách mẫu.
Đó là những đề văn vượt khỏi lối mòn, chệch ra ngoài khuôn khổ, đem đến cho học sinh cơ hội thể hiện năng lực như: “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, “Nghĩ về những nếp nhăn trên trán mẹ”, “Nghĩ về điều kỳ diệu của tình thương”, “Nếu tham gia vào cuộc tranh luận giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh bạn sẽ chọn con đường nào?”, “Vì sao tôi sống?”, “Văn học với việc bồi dưỡng tâm hồn bạn?”, “Suy nghĩ về một ước mơ nhân dân gửi gắm trong truyện cổ tích”…
Những cách hỏi như vậy sẽ bồi dưỡng, phát triển được sức nghĩ, sức viết của học sinh. Các em có thể tự do khám phá, sáng tạo; tự do thể hiện suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình mà không phụ thuộc vào bất cứ ai và bất cứ điều gì.
Tuy nhiên, với những đề văn như thế thì đáp án cũng phải hết sức linh hoạt. Không nên ràng buộc học sinh phải thể hiện được ý này, ý nọ; trái lại phải tạo ra một môi trường thực sự cởi mở, thông thoáng để các em tha hồ suy tư và sáng tạo. Miễn sao sự sáng tạo ấy hợp lý và có sức thuyết phục. Bản thân người chấm cũng phải tránh một cái nhìn máy móc, định kiến; phải tôn trọng tiếng nói cá nhân của mỗi học sinh, tránh áp đặt suy nghĩ của mình cho các em thì mới mong phát hiện được tài năng.
Thạc sĩ Văn học Hồ Tấn Nguyên Minh
Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên