“Phát triển du lịch homestay ở Đồng bằng sông Cửu Long” là đề tài của Lê Thanh Diễm - sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng. Đề tài nói về hành trình, phân tích thực trạng khách du lịch Homestay đến với Đồng bằng sông Cửu Long. Thanh Diễm chia sẻ: “Tôi và các thành viên trong nhóm xuất thân từ Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã đi thực địa và dựa vào những mối quan hệ sẵn có tại địa phương để tiến hành khảo sát. Thế nhưng, mọi việc không mấy đơn giản. Chúng tôi mất 2 ngày ở bến đò nơi khách nước ngoài đến nhưng đa phần những người này lại chưa từng ở home-stay. Một số khác thì do bất đồng ngôn ngữ - khách ở home-stay đa phần là người Pháp, họ nói tiếng Anh không nhiều nên khi lấy tư liệu thông tin cũng là một hạn chế. Quá trình khảo sát khiến chúng tôi phải tốn nhiều thời gian mới thực hiện được”.
![]() |
Thanh Diễm chia sẻ thêm về những cảm xúc trải nghiệm thú vị khi tham gia chương trình: “Đây là lần đầu tiên tôi và các bạn trong nhóm tham gia vào một chương trình nghiên cứu khoa học, ai cũng thấy hồi hộp, đan xen với niềm vui. Chúng tôi rất hào hứng khi tham gia, bởi đây là sân chơi nơi chúng tôi có nhiều cơ hội để va chạm thực tế, gặp gỡ, chia sẻ và giao lưu cùng những bạn sinh viên của các trường khác”.
“Thiết kế hệ thống điều khiển tự động cho băng chuyền phân loại sản phẩm theo màu sắc” là nghiên cứu của nhóm sinh viên Đại học giao thông Vận tải Hà Nội. Đại diện cho nhóm thực hiện, Nguyễn Hữu Hiếu cho biết: “Phân loại sản phẩm theo màu sắc đang rất phát triển trong nhiều ngành công nghiệp. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và thiết kế thành công mô hình phân loại sản phẩm theo màu sắc nhằm nâng cao năng suất lao động. Thông qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi thiết kế mô hình phân loại 4 sản phẩm trong đó có 3 màu chính phẩm và một màu phế phẩm. Bên cạnh đó, nhóm cũng thiết kế được bộ cảm biến có khả năng phát hiện được màu sắc trong dải màu rộng và có khả năng điều chỉnh linh hoạt. Sản phẩm này có thể áp dụng vào dây chuyền sản xuất thực tế”.
Khi nói về chương trình “Olympia dành cho sinh viên đại học”, Hiếu hào hứng: “Đây là cơ hội cho sinh viên chúng tôi có điều kiện học hỏi, tư duy kiến thức, nâng cao tính cạnh tranh trong sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Đây cũng là cơ hội để sinh viên có thể phát triển những ý tưởng thành các sản phẩm thực tế có tính ứng dụng cao, có ích cho nhu cầu sử dụng của đại chúng”.
Ngọc Điệp