Các đế chế ngôn từ dày 832 trang, do Omega Plus liên kết Nhà xuất bản Thế giới phát hành đầu tháng 8. Trong sách, tác giả Nicholas Ostler khảo sát các ngôn ngữ lớn trên thế giới, có khả năng lan truyền và được sử dụng rộng rãi.
Nội dung chính được chia thành bốn phần, 14 chương. Đầu tiên, sách mở ra bản đồ của những ngôn ngữ đang được sử dụng khắp thế giới. Sau đó, Oslter phân tích sâu về sự trỗi dậy và suy tàn của những ngôn ngữ thông dụng (lingua francas) và nguyên nhân của những thăng trầm đó.
Tác phẩm cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan về lịch sử phát triển và thăng trầm của những ngôn ngữ lớn, nguồn gốc sự liên quan của các tiếng thông dụng Anh, Hoa, Tây Ban Nha.
Ostler lập luận các đặc điểm của ngôn ngữ có khả năng tạo ra sự khác biệt, là nguyên nhân khiến lời nói và chữ viết trở nên quan trọng, có thể lan truyền xa và tồn tại lâu dài. Đồng thời, ông bàn về mối liên hệ giữa ngôn ngữ với chính trị, tôn giáo, thương mại, xã hội, văn hóa. Tác giả so sánh các ngôn ngữ ở cấp độ vĩ mô, dựa trên các khía cạnh lịch sử hơn là đi sâu vào các vấn đề chính của ngôn ngữ, như ngữ pháp hay âm vị học.
Tác giả xem xét tiếng Akkad, tiếng Aramaic và tiếng Ả Rập, những ngôn ngữ Semitic, nối tiếp nhau trong các nền văn minh và đế chế ở Trung Đông, song song với tiếng Hoa và Ai Cập, như phương tiện của các văn hóa lớn. Ngoài ra, sách cũng bàn về tiếng Phạn, tiếng Hy Lạp, tiếng Celt, tiếng La Mã, tiếng Đức, tiếng Slav.
Điểm đắt giá của tác phẩm nằm ở việc phân tích bao quát lịch sử của mỗi ngôn ngữ, mối quan hệ của các chúng và sự liên kết với lịch sử loài người.
Sách có đoạn: "Không thể hình dung được suy nghĩ của con người nếu không có năng lực ngôn ngữ, nhưng một ngôn ngữ thuần khiết đồng nhất toàn cầu chỉ là ý nghĩ kỳ quặc của các triết gia. Ngôn ngữ trong thực tế xuất hiện dưới dạng nhiều thứ tiếng của nhiều địa phương khác nhau như tiếng Anh, tiếng Navajo, tiếng Hán, tiếng Swahili, Burushaski cùng hàng nghìn thứ tiếng khác, và mỗi thứ tiếng này lại liên kết những người nói của nó với một truyền thống đã tồn tại ngàn năm.
Khi được con người tiếp nhận, nó sẽ mang lại khả năng tiếp cận với một kho tàng niềm tin và kiến thức khổng lồ: những tài sản này trao sức mạnh cho chúng ta mỗi lúc tư duy, nghe, nói, đọc, viết, nhờ đó chúng ta mới có thể có suy nghĩ và cảm nhận khác xa tổ tiên mình. Ngôn ngữ của chúng ta đặt chúng ta vào một chuỗi liên tục về văn hóa, liên kết chúng ta với quá khứ và cũng thể hiện ý muốn của chúng ta với những thế hệ sau này".
Ở đoạn chuyển tiếp giữa hai phần, có hai chương ngắn nói về lần suy tàn thứ nhất và thứ hai của tiếng Latin: Khi không còn sử dụng độc quyền ở châu Âu trong học thuật và lúc chỉ còn trong sách kinh, không dùng giao tiếp hàng ngày.
Bìa tác phẩm sử dụng hình ảnh tháp Babel - huyền thoại trong Kinh Thánh - nhằm giải thích về sự bất đồng ngôn ngữ của các dân tộc. Tác giả còn bàn về tiếng Tây Ban Nha ở Tân Thế giới, tiếng Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Nga trong thời kỳ hiện đại như sự tương phản với lịch sử của tiếng Anh. Sau đó khép lại với khảo sát về 20 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất toàn cầu, tóm tắt về quá khứ, hiện tại và các yếu tố tiềm năng trong tương lai ảnh hưởng đến sự lan truyền của ngôn ngữ.
Sách ra mắt lần đầu năm 2005 tại Anh, được giới chuyên môn đánh giá tích cực. Guardian nhận xét: "Tác phẩm kể câu chuyện về lịch sử thông qua sự thay đổi của ngôn ngữ. Sau khi đọc nó, bạn có thể sẽ nghĩ về thế giới theo cách trước đây chưa từng nghĩ đến". Tờ Independent viết: "Ostler muốn mở ra con đường mới để phân tích lịch sử, nơi ngôn ngữ trở thành công cụ nghiên cứu xã hội".
Nicholas Ostler, 71 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Latin, Hy Lạp, triết học và kinh tế học tại Balliol College, Oxford (Anh), sau đó nhận bằng Tiến sĩ ngôn ngữ học và tiếng Phạn tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), dưới sự hướng dẫn của nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky.
Tác giả nghiên cứu chuyên sâu 26 ngôn ngữ, hiện là chủ tịch Tổ chức bảo tồn các ngôn ngữ bị đe dọa (Foundation for Endangered Languages), từng xuất bản nhiều sách như Ad Infinitum (2007), The Last Lingua Franca (2010), Password to Paradise (2016).
Quế Chi