Trong bài viết 10 dấu hiệu mất thính lực không nên xem thường, tờ AARP nhận định tuổi tác ảnh hưởng lớn đến thính giác. Những buổi hòa nhạc ồn ào, đám đông tại sân vận động, hóa chất trong khói thuốc lá hay chất tẩy rửa... có thể "giết chết" hàng nghìn tế bào lông nhỏ ở tai trong - bộ phận chịu trách nhiệm chuyển đổi sóng âm thành tín hiệu thần kinh để não diễn giải thành lời nói, âm nhạc hoặc đồng hồ báo thức.
Bác sĩ Sujana Chandrasekhar tại ENT and Allergy Associates, Mỹ phân tích khi mất đủ số lượng tế bào lông, thính giác của bạn sẽ bị ảnh hưởng. "Ở nam giới, mất thính lực thường bắt đầu từ độ tuổi 50. Với phụ nữ, do ảnh hưởng bởi hormone nữ, tình trạng này xuất hiện muộn hơn, từ 60 tuổi đến 69 tuổi", bác sĩ cho hay.

Nam giới đối diện mất thính lực từ độ tuổi 50. Ảnh: Signia
Tờ AARP chỉ ra hơn một nửa số người từ độ tuổi 75 trở lên mất ít nhất 35 decibel thính lực, cần dùng máy trợ thính. Tuy nhiên, mọi người khó nhận ra bản thân đang rơi vào tình trạng nghe kém hay lãng tai.
Dưới đây là các dấu hiệu không nên bỏ qua:
Khó chịu khi người khác nói không rõ ràng
Phần thính giác đầu tiên bị ảnh hưởng do lão hóa thường là khả năng phân biệt âm thanh tần số cao, nhất là phụ âm "ch" và "sh".
Bác sĩ Sujana Chandrasekhar lý giải khi chỉ nghe được nguyên âm mà không rõ phụ âm, bạn có cảm giác mọi người đang lẩm bẩm, lắp bắp và dễ đổ lỗi cho họ.
Đơn cử, với cụm "con voi có cái vòi dài có thể dùng để nắm lấy cây", người bị mất thính lực có thể nghe thành: "-on-oi-ó cái vò-dài-ó-th-ùng để-ắm-ấy-ây". Tình trạng khó nghe phụ âm này khá phổ biến.
Bị giật mình bởi âm thanh bất thường
Tình trạng dễ giật mình khi nghe âm thanh lớn khá phổ biến ở người nghe kém, được gọi là "recruitment". Chuyên gia thính học Alison Grimes phân tích điều này xảy ra kể cả khi bạn không mất tất cả tế bào lông trong tai cùng một lúc.
"Khi âm thanh, tiếng ồn ở mức lớn, nó sẽ kích hoạt các tế bào khỏe mạnh phản ứng mạnh hơn bình thường, khiến bạn nghe tiếng động chói tai hoặc thậm chí âm thanh có phần bị méo", chuyên gia Alison Grimes nói.
Khó trò chuyện trong không gian ồn ào
Tiếng ồn khiến mọi người khó chịu, kể cả nhóm có thính giác bình thường. Giáo sư Angela Shoup - Đại học Y khoa Texas Southwestern - cho biết chúng ta thường lọc bỏ tiếng ồn bằng cách định hướng âm thanh đó để tránh né, điển hình là tiếng xe cộ.
"Tuy nhiên khi ở nhà hàng hay bữa tiệc, tiếng ồn đến từ giọng nói của người xung quanh. Trường hợp mất thính lực khó có thể lọc bỏ tiếng ồn đó để tập trung vào một giọng nói", giáo sư Angela Shoup cho hay.
Mọi người liên tục nhắc bạn giảm âm lượng tivi, điện thoại
Bạn có thể không nhận ra mình đang mở âm lượng thiết bị điện tử lớn cho đến khi bị ai đó nhắc nhở. Nếu bạn phải giảm nhỏ âm lượng để nghe rõ người khác nói "vặn nhỏ tivi, điện thoại" là dấu hiệu cho thấy thính giác có vấn đề.
Cảm thấy bản thân vụng về hơn
Tai trong chịu trách nhiệm về thính giác lẫn thăng bằng. Bác sĩ Chandrasekhar cho rằng con người sử dụng âm thanh để xác định vị trí của mình trong không gian. "Khi đeo máy trợ thính, khả năng thăng bằng và nhận biết không gian của người mất thính lực được cải thiện đáng kể", cô phân tích.
Không nhớ những gì người khác nói
Khi phải cố gắng hiểu lời nói, trí nhớ ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng. Giáo sư Angela Shoup chỉ ra loạt khó khăn khi phải nhớ điều bạn không nghe rõ. Thực trạng này thường xảy ra vì bộ não của chúng ta cần nhóm các thông tin lại với nhau để dễ nhớ hơn.
Tuy nhiên nhóm mất thính lực, họ phải giữ lại từng phần rời rạc của thông tin cho đến khi có thể ghép chúng lại với nhau để hiểu nghĩa câu nói. Điều này lúc hiệu quả, lúc không.
Trường hợp nghe kém nhẹ đến điếc sâu có thể tham khảo máy trợ thính, ngừa thính lực nặng hơn.

Hiện có nhiều dòng máy trợ thính nhỏ gọn, hỗ trợ đắc lực người mất thính lực. Ảnh: Signia
Hiện hãng Signia (tiền thân Siemens, Đức) - đứng top ba thế giới và hàng đầu tại Việt Nam về lượng máy đang sử dụng, cung cấp nhiều dạng thiết bị, đáp ứng nhu cầu của từng mức độ mất thính lực.
Hưởng ứng tháng Thính giác thế giới 3/2025, hãng Signia hợp tác đối tác phân phối tại Việt Nam tặng độc giả một suất đo khám thính lực miễn phí, từ nay đến 31/5, tại các trung tâm trợ thính đang phân phối Signia trên toàn quốc.
Vĩnh Hưng (theo AARP)