Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Tập đoàn Masan ví von: "Nếu chúng ta sợ thua rút hết về phòng vệ để không thủng lưới, sẽ không thắng. Vì thế, muốn thắng được trận bóng này, phải kết hợp chiến thuật vừa phòng thủ chặt, hàng công cũng sẵn".
Do đó, theo ông Nguyễn Đăng Quang, ổn định tâm lý, chống sự hoang mang là điều quan trọng nhất lúc này. "Cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi khi làm tê liệt mọi giác quan của con người, tổ chức và nền kinh tế", ông nói.
Chống sợ hãi, cũng là thông điệp Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi nói về đại dịch Covid-19 với những mức độ tác động khôn lường tới sức khoẻ doanh nghiệp Việt. "Nếu Covid-19 chưa qua mà khủng hoảng kinh tế đã tới thì các doanh nghiệp sẽ hành động, chống đỡ thế nào", ông nói.
Theo ông, vừa rồi Chính phủ đã làm tốt việc chống dịch, nhưng hai mặt trận còn lại chống suy thoái, chống thất nghiệp cần "khởi động càng sớm càng tốt", thậm chí cần bộ chỉ huy cấp cao lẫn cấp địa phương. Tương tự, ở tầm vi mô mỗi doanh nghiệp "phải xác định sống chung với lũ, lũ có thể đến bất cứ lúc nào".
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco, người đã trải qua nhiều khó khăn cùng với các cộng sự để xây dựng tập đoàn đa ngành về cơ khí, nông nghiệp, sản xuất lắp ráp ôtô lớn, coi việc làm ăn lúc khó, lúc dễ là bình thường. "Đại dịch Covid-19 đang diễn ra cũng vậy, rồi sẽ trị được", ông nói.
Ông phân tích, doanh nghiệp nước ngoài khi nào thuận thì vào, khó lại đi. Nhưng doanh nghiệp trong nước thì luôn phải chịu đựng, đồng hành và phát triển cùng đất nước. Vì thế, theo ông, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp trong nước lúc này rất cần thiết, nhưng không phải ngành nghề gì cũng ưu đãi, mà mỗi ngành cần sự hỗ trợ, định hướng khác nhau.
Chẳng hạn, khi Trung Quốc hết dịch, nhu cầu cung ứng các mặt hàng của ngành nông nghiệp sẽ rất lớn, vì thế đây sẽ là ngành xuất khẩu chủ lực của kinh tế Việt Nam sau dịch bệnh. "Cần đầu tư mạnh cho xuất khẩu để thu lợi", ông nói thêm.
Niềm tin, theo ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Doji, sẽ giúp thị trường tránh tình trạng hoảng loạn, đóng băng. Trong đại dịch, không riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn cũng buộc phải cắt giảm nhân sự, cơ cấu lại quản trị để vượt bão.
Ngoài nỗ lực chống dịch của Chính phủ, Chủ tịch TPBank và Doji cho rằng, bản thân mỗi doanh nghiệp cần có các biện pháp ứng phó, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động liên tục. Việc này sẽ tránh tình trạng hoàn toàn thất thủ khi có quyết định phong toả, cách ly tuyệt đối.
Ông ví dụ, ở ngân hàng Tiên Phong hay Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đều đưa ra những kịch bản theo nhiều cấp độ, tránh tình trạng cả khu vực đó bị tê liệt. "Trước đây chỉ các nhà băng lớn mới xây dựng kịch bản như vậy. Nhưng giờ, với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động với quy mô rộng, điều này rất cần thiết", ông nói.
Covid-19 leo thang, nhưng theo các chủ doanh nghiệp, khủng hoảng luôn là động lực kích hoạt sự thay đổi bởi trong nguy luôn có cơ.
Với ông chủ Masan, lúc này là cơ hội thúc đẩy dịch vụ mới. Ông Quang nói, với cơ chế lây lan mới của nCoV, người ta sợ đến nơi đông người, và đây chính là cơ hội của bán hàng online.
Ở điểm này, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT đồng tình khi lúc này doanh nghiệp nên "chuyển mọi thứ lên online, tăng cường chất lượng dịch vụ nội bộ". Tương tự, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank cũng thấy, đây là cơ hội để kích hoạt và đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt.
Cơ hội nữa được ông chủ Masan nhắc tới là xuất khẩu. Khủng hoảng mới chỉ bắt đầu với kinh tế toàn cầu. Trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị sập và thiếu hụt ở rất nhiều nơi do hơn 2 tháng nay Trung Quốc bị đình trệ sản xuất. Đây chính là cơ hội nếu doanh nghiệp Việt nắm bắt được.
"Khi đối thủ đang lo che mưa để khỏi ướt thì chúng ta tập trung vào trận đấu, phòng thủ thật chắc và tìm các cơ hội để thành công", Chủ tịch Masan nói.
Song song mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, gói kích cầu nội địa tiêu dùng trong nước, đặc biệt là kích cầu du lịch, ngành rất cần thiết. Nhưng theo ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, kích cầu trong nước nên theo hướng chọn lọc ưu tiên, chấp nhận rủi ro chứ không nên chọn cả. "Hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh và hợp lý", ông nói.
Và kịch bản ứng phó dịch bệnh, Chủ tịch Techcombank nhìn nhận, các doanh nghiệp cũng cần nghĩ tới lập một quỹ dự phòng rủi ro của mình, thay vì trông chờ vào nguồn lực bên ngoài. "Phải lường trước mọi khó khăn có thể xảy ra dù tin vào tương lai khá hơn", ông nói.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, ông Đỗ Minh Phú cho rằng, ngân sách có hạn, để khoan sức dân thì việc giãn nộp thuế là cần thiết lúc này. Ông đề nghị quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ thất nghiệp nên giảm cho các doanh nghiệp để họ lấy phần đó bù đắp cho việc họ đang phải trợ cấp cho người lao động mất việc, không làm việc nhưng vẫn được trả lương.
Anh Minh