Ngày 18/3, Hội đồng Anh sẽ tổ chức Lễ trao giải Alumni Awards 2021-2022 khu vực Việt Nam, phát sóng trực tiếp lúc 20h trên VnExpress và fanpage British Council Vietnam. Đây là giải thưởng tôn vinh thành tựu của các cựu du học sinh đang sinh sống ngoài Vương quốc Anh.
Ứng cử viên vào vòng chung kết và đoạt giải cần đáp ứng tiêu chí là những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực họ đang hoạt động, sử dụng kiến thức, trải nghiệm có được khi học tập tại Anh để tạo nên những đóng góp tích cực cho cộng đồng, lĩnh vực nghề nghiệp và quốc gia của mình.
Đại diện ban tổ chức cho biết, qua đây, các ứng viên có thêm cơ hội xây dựng hình ảnh cá nhân và nâng tầm ảnh hưởng cho các dự án của mình; tạo lập mạng lưới và kết nối trong lĩnh vực chuyên môn, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu có được trong quá trình du học.
Hiện, ban giám khảo đã công bố 9 gương mặt xuất sắc lọt vào vòng chung kết để giành giải cao nhất cho ba hạng mục: Khoa học và Bền vững; Văn hóa và Sáng tạo; Kinh doanh và Đổi mới sáng tạo.
Trong đó, giải Khoa học và Bền vững vinh danh những cựu du học sinh Anh đã nỗ lực chứng tỏ bản thân qua sự nghiệp và thành tựu trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, y học, các thành phố và cộng đồng bền vững, kỹ thuật...
Ở hạng mục này, Hội đồng Anh đã chọn ra ba gương mặt có đóng góp ý nghĩa nhất: PGS. TS. Đặng Hữu Mẫn, GS. TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng và Cố vấn pháp luật của PECC3 - Nguyễn Tuấn Phát.
TS. Đặng Hữu Mẫn là Phó giáo sư trẻ nhất Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, đang là Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế. Trong thời gian học tập và làm việc, ông thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến sự bất cân xứng thông tin, vấn đề đại lý, các quyết định chính sách tài chính của công ty trong hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nói riêng, thị trường tài chính nói chung. Trong đó có ba đề tài nghiên cứu cấp quốc gia và cấp Bộ, công bố 15 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín nhóm Q1/Q2 thuộc danh mục SSCI (Social Sciences Citation Index - Trích dẫn khoa học xã hội).
PGS. TS. Đặng Hữu Mẫn cho biết, danh tiếng, hệ thống giáo dục Anh quốc cùng nguồn tài liệu học tập bản in hay điện tử phong phú của Đại học Stirling đã giúp ông nhanh chóng thích nghi và phát triển nghiên cứu của mình.
GS. TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng là kỹ sư hóa học tài năng, giáo sư ngành năng lượng tái tạo, chủ biên nhiều cuốn sách và hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ hóa học tại Đại học College London năm 2008, bà xây dựng một chương trình giảng dạy, nghiên cứu về nhiên liệu sạch và hóa học xanh để đào tạo cho sinh viên đại học, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại Việt Nam. Bà đã được Thủ tướng trao bằng khen Tri thức tiêu biểu năm 2020.
Từ năm 2015 đến nay, bà làm Giám đốc điều hành của Quỹ Go-Green Việt Nam, Viện trưởng viện Nghiên cứu đào tạo và giáo dục nguồn nhân lực, Liên hiệp các Hội Khoa học Công nghệ Việt Nam, đồng thời, hỗ trợ các nhà khoa học, nhà sáng chế trẻ và sinh viên.
Theo bà thời gian học tập, sinh sống tại Anh đã giúp bản thân định hình tính cách, xây dựng sự tự tin và phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời, nữ tiến sĩ tận dụng những điều mình đã tích lũy để truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên Việt Nam theo đuổi con đường học vấn và sự nghiệp trong lĩnh vực STEM.
"Thời gian học tập tại Vương quốc Anh là quãng thời gian tươi đẹp nhất của tuổi trẻ đối với tôi", bà bày tỏ.
Nguyễn Tuấn Phát là cố vấn pháp luật của PECC3, thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông hỗ trợ các cơ quan Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách đấu giá năng lượng tái tạo của Việt Nam, hiện là dự thảo Quyết định của Thủ tướng.
Trước đó, ông đã giành học bổng từ Đại học Keele và hoàn thành chương trình cử nhân Luật chuyên sâu về năng lượng tái tạo. Từ những kiến thức tích lũy tại đây, ông nhận thấy Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm về đấu giá năng lượng. Do đó, ông cùng các cộng sự không ngừng học hỏi từ quốc tế, đặc biệt là Chính phủ Anh.
"Đại học Keele đã giúp tôi có tâm trí mạnh mẽ, trái tim dũng cảm và niềm đam mê vô tận đối với năng lượng tái tạo. Chính những điều này đã giúp tôi có được thành công ngày hôm nay", ông khẳng định.
Hạng mục thứ hai là Văn hóa và Sáng tạo, hướng đến những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hoá, thể hiện tài năng, tầm ảnh hưởng và khả năng sáng tạo. Các lĩnh vực trong hạng mục gồm: nghệ thuật, thiết kế, truyền thông, video, TV, âm nhạc, bloggers, vloggers, Youtubers và các lĩnh vực nhân văn khác.
Gương mặt đầu tiên góp mặt trong hạng mục này là Nguyễn Linh Chi - cựu du học sinh ngành Minh họa - Truyền thông thị giác tại Camberwell College of Arts, Đại học Nghệ thuật London. Tại đây, bàthực hành và thử nghiệm với các tác phẩm đa phương tiện, từ collage (cắt dán) đến sắp đặt.
Sau khi trở về Việt Nam, cựu du học sinh Anh thường xuyên tham gia vào dự án và triển lãm tại Hà Nội. Năm 2019, Linh Chi được Viện Goethe Hà Nội trao giải cho công trình collage trong dự án Das Mädchen Kiều.
Năm 2020, Chi đồng sáng lập Collective Sonson, ra mắt bộ sưu tập Góc Tĩnh - Tại và giành giải Nhất tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020. Cựu du học sinh cho biết, nền giáo dục Anh đóng một phần quan trọng ảnh hưởng tới hướng đi, việc thực hành cũng như con đường tiếp tục học hỏi, mày mò về nghệ thuật của mình. Những ưu và cả nhược điểm của nền giáo dục này đã giúp tôi khắc họa một lối đi cho riêng mình, bànói thêm.
Nghệ sĩ piano, nhà giáo dục Trang Trịnh cũng vào đề cử của hạng mục này với nhiều đóng góp cho xã hội nói chung, nghệ thuật nói riêng. Năm 2013, nữ nghệ sĩ đồng sáng lập Dàn hợp xướng Kỳ Diệu, dạy nhạc miễn phí cho trẻ em kém may mắn. Nhờ tác động của dự án này đối với cuộc sống của trẻ em, bàghi danh vào danh sách 30 under 30 của Forbes năm 2015.
Năm 2017, bà thành lập Wonder - doanh nghiệp xã hội tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững trong giáo dục chất lượng và giảm thiểu sự bất bình đẳng. Gần đây, Trang Trịnh tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành và Nhà giáo dục của Học viện Âm nhạc VYMI (Vietnam Youth Music Institute), đối tác chiến lược của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, để thiết lập các chương trình giáo dục sâu rộng cho cộng đồng. Bên cạnh đó, nghệ sĩ còn viết sách giáo khoa âm nhạc cấp tiểu học.
"Với những hoạt động tích cực của mình như một nghệ sĩ và nhà giáo dục, tôi đã và sẽ tiếp tục có cơ hội truyền cảm hứng cho những sinh viên quan tâm tới cơ hội học tập tại Anh", nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Ứng viên cuối cùng của hạng mục này là nhà thiết kế Vũ Nhật, tốt nghiệp Đại học West England và Đại học Mỹ thuật London. Hiện, anh là nhà thiết kế thời trang, giảng viên và tư vấn chuyên ngành. Bên cạnh đó, Vũ Nhật còn làm cố vấn thẩm mỹ và quy trình tại May 10 - một trong những công ty sản xuất may mặc lớn nhất trong thị trường miền Bắc Việt Nam.
Trong quá trình học tại Anh, anh được trải nghiệm môi trường học tập và làm việc chuyên nghiệp, tập trung vào kiến thức thị trường. Điều này đã định hình phong cách làm việc theo quy trình, đồng thời, giúp anh có động lực truyền cảm hứng làm việc có trách nhiệm với môi trường. Nhà thiết kế cho biết, nền giáo dục Anh đã giúp anh trang bị nền tảng chuyên môn toàn diện, từ đó, tạo ra những ảnh hưởng tích cực hơn cho cộng đồng.
Cuối cùng, giải Kinh doanh và đổi mới sáng tạo sẽ trao cho các ứng viên có nỗ lực kiến tạo hoặc đóng góp cho những cải tiến, ý tưởng và giải pháp sáng tạo, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Các lĩnh vực trong hạng mục bao gồm khởi nghiệp, kinh doanh, công nghệ...
Ở hạng mục này, ba đề cử của tranh giải Quán quân gồm: Thạc sĩ quản lý Đinh Thúy Phương, anh Lưu Minh Hiển - CEO WISE Group và Trần Thảo - Giám đốc chương trình Accelerator tại New Energy Nexus Việt Nam.
Đinh Thúy Phương tốt nghiệp Đại học Northampton. Bà phát triển niềm đam mê với ngành công nghiệp không chất thải kể từ khi theo học Thạc sĩ quản lý marketing tại đây. Tháng 4/2020, bà đồng thành lập Mana.st - một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh ống hút làm từ lau sậy. Dự án này đã giải quyết được ba vấn đề lớn của cộng đồng: tạo công ăn việc làm cho cộng đồng người cai nghiện, vấn đề lau sậy mọc không kiểm soát và bảo vệ môi trường.
Theo nữ thạc sĩ, nền giáo dục Anh thúc đẩy bà không chỉ tích lũy mà còn biết cách chia sẻ kiến thức. Với tư cách là một giáo viên ở trung tâm cai nghiện ma túy, bà truyền cảm hứng cho một số sinh viên tốt nghiệp đảm nhận vị trí giảng viên đào tạo, chuyển giao những gì họ đã học cho những người khác và tiếp thu các kỹ năng tự học.
Đề cử thứ hai - ông Lưu Minh Hiển tốt nghiệp Trường Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London, Viện đại học London. Trở về Việt Nam, anh thành lập WISE Group với sứ mệnh giúp thế hệ trẻ Việt Nam học tiếng Anh nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đến nay, hệ thống đã có 50 nhân sự và thu hút hơn 3.000 học viên. Song song, ông viết bộ sách về IELTS và thực hiện nhiều diễn thuyết để truyền cảm hứng cho hàng nghìn học sinh tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, ông cũng tổ chức các khóa đào tạo cho hơn 200 doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp trẻ tại Đà Nẵng về marketing, cách quản trị doanh nghiệp để tồn tại và phát triển qua Covid-19, trong đó có văn phòng miền Trung - Vietnam Airlines.
Ứng viên cuối cùng, cựu sinh viên Đại học West London - Trần Thảo đã tham gia sáng lập nhiều công ty startup từ năm 2015. Đồng thời, bà cũng làm giáo viên tiếng Anh, giảng viên đại học. Với những hoạt động tích cực của mình, Trẩn Thảo đã tạo việc làm và truyền cảm hứng cho hàng trăm sinh viên trẻ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà cũng hỗ trợ Quỹ Bông Sen với tư cách là trưởng ban cố vấn để giúp gây quỹ cho nữ sinh và bà nội trợ ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo cựu du học sinh, kinh nghiệm sống tại Vương quốc Anh đã định hình triết lý lãnh đạo của bàvà giúp bà trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Vương quốc Anh mang đến cho sinh viên quốc tế cơ hội tuyệt vời để làm việc và trải nghiệm xã hội. Môi trường làm việc ở đây rất năng động và đa dạng, cung cấp bài học thực tế về cuộc sống, bà nhấn mạnh.
Nhật Lệ