Thông tin trên vừa được Hiệp hội điều (Vinacas) và Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho VnExpress biết. Theo ông Thanh, trong 36 container điều bị mất kiểm soát, thực tế chỉ có 35 chiếc bị mất bộ chứng từ gốc (cái còn lại đã tìm thấy chứng từ và đang trong quá trình bán cho đối tác nước ngoài). Trong số bị mất chứng từ này, hiện 10 container đã thỏa thuận xong với hãng tàu. Các doanh nghiệp đã được đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng nên đang cho tàu đưa hàng trở lại Việt Nam.
9 container điều khác được một công ty cho rằng họ "không biết việc có người đứng tên công ty mình" để đặt mua. Do đó, họ đã từ chối nhận lô hàng trên để hãng tàu trả lại quyền sở hữu cho người bán.
Tuy nhiên, các hãng tàu viện dẫn theo thông lệ quốc tế, buộc các công ty Việt Nam phải đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng hơn 100% trị giá lô hàng mới thực sự giành lại được sở hữu. Số tiền này để đảm bảo nếu có người khác đem bộ chứng từ gốc ra kiện đòi hàng thì hãng tàu không gặp thiệt hại. Các doanh nghiệp hiện rất khó khăn do liên quan đến lô hàng nên cần các cơ quan hữu quan vào cuộc để xử lý, hỗ trợ.
Với 16 container còn lại đang được xử lý tiếp. Trong đó, có 1 container đầy đủ bộ chứng từ gốc nhưng hãng tàu CMA CGM chưa cho công ty xuất khẩu Việt Nam đổi người nhận (đã có người mua khác). Hãng này đòi thư từ chối của người nhận hàng cũ trong bộ chứng từ gốc (LOI/LOR). Doanh nghiệp cùng Tham tán đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty mua hàng cũ để đề nghị gửi thư từ chối nhưng bất thành vì địa chỉ "ma".
"Doanh nghiệp Việt Nam sau vụ việc này đã gặp rất nhiều khó khăn bởi các công ty không có đủ khả năng để đặt cọc, bảo lãnh ngân hàng", ông Thanh nói.
Hiện, doanh nghiệp vẫn cố gắng đàm phán với các hãng tàu chỉ dùng bảo lãnh ngân hàng 110% thay vì 150% để giảm áp lực cho doanh nghiệp nhưng Cosco không đồng ý. Do đó, ông Thanh đề nghị các tổ chức tín dụng Việt Nam nếu có các gói dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì xem xét giúp họ vượt qua khó khăn này.
Về phía Thương vụ vẫn tích cực điều tra các công ty mua điều, thúc đẩy phía các công ty này ký giấy xác nhận không nhận hàng hóa để trả lại quyền sở hữu cho người bán. Tuy nhiên, khó khăn trong công việc này là nhiều công ty thực tế không tồn tại và chủ công ty cũng không thấy xuất hiện.
Để đòi lại quyền sở hữu nhanh hơn, Thương vụ đã phối hợp với Vinacas và nhóm bán, Công ty Luật nộp đủ hồ sơ kiện ra Tòa Hình sự và Tòa Dân sự Italy.
Nhìn lại vụ việc các container điều bị mất kiểm soát này, nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp quá vội vàng, thiếu kinh nghiệm trong giao thương nên lộ nhiều kẽ hở khiến đối tác lợi dụng để lừa đảo. Trong đó, theo ông Thanh có 3 kẽ hở chính khiến 35 container điều khó lấy lại quyền kiểm soát.
Kẽ hở thứ nhất là doanh nghiệp không biết đối tác (người mua) là ai. Qua làm việc với doanh nghiệp, họ cho biết chưa xác minh được đối tác. Doanh nghiệp Việt tin tưởng vào công ty môi giới nên trong quá trình ký hợp tác công ty chỉ ký hợp đồng mẫu của người môi giới. Do đó, khi bị đối tác lừa đảo họ không có ai để "nắm tóc" và gặp khó hơn so với những vụ lừa đảo tương tự khác.
Kẽ hở thứ hai là chọn phương thức thanh toán nhiều rủi ro. Trong đó, hình thức thanh toán được áp dụng cho giao dịch các lô điều là phương thức nhờ thu tiền kèm chứng từ (Documents against Payment - D/P).
Đây là hình thức mà bên nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ tiền. Nhưng rủi ro ở đây, người bán thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua.
Ông Thanh khuyên, đối với các ký kết mới của doanh nghiệp ngành điều, nếu đối tác không chịu áp dụng phương thức thanh toán thư tín không hủy ngang (L/C) mà bắt buộc phải thanh toán theo D/P thì yêu cầu đặt cọc lô hàng tối thiểu 15-30% giá trị lô hàng. Người bán phải chọn hình thức trao chứng từ phù hợp để tránh rủi ro. Mặt khác, trước khi ký hợp đồng bán hàng cần kiểm tra lịch sử hình thành và kinh doanh của đối tác nhập khẩu.
Kẽ hở thứ 3 đó là mất bộ chứng từ gốc mà không biết chúng đang ở đâu. Điều này cho thấy lộ trình di chuyển của bộ chứng từ gốc bị lộ. Mã pin (mã số theo dõi tracking number của gói chứng từ gửi qua hãng chuyển phát nhanh, tức mã số của gói bưu kiện chứng từ gốc) bị lộ. Bằng cách nào đó, người mua đã có mã pin của bộ chứng từ gốc. Từ đó, họ có thể truy xuất hành trình vận đơn và tìm cách rút bộ chứng từ gốc trên đường di chuyển. Hiện, mã pin này chỉ có người gửi là nắm rõ. Trong trường hợp này ngân hàng và đơn vị chuyển phát có số mã này. Tuy nhiên để biết được ai để lộ và quá trình bị lộ như thế nào phải chờ cơ qua chức năng điều tra.
Hiện, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng của Italy điều tra làm rõ hành vi lừa đảo để tòa án ra phán quyết, làm cơ sở cho doanh nghiệp sớm lấy lại hàng.
Các container mất kiểm soát của 5 doanh nghiệp Việt bắt đầu được phát hiện từ đầu tháng 3 khi các doanh nghiệp xuất khẩu phát hiện nhiều dấu hiệu lừa đảo khi gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Số SWFIT (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu), bị thay đổi nhiều lần.
Sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ, đối tác mua hàng lại thông báo không đúng thông tin của họ, yêu cầu trả lại bộ chứng từ, nhưng lại không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ. Một số hợp đồng khác được phía ngân hàng Italy thông báo, hồ sơ gửi chỉ là bản photo, không phải bản gốc, thậm chí là giấy trắng.
Thi Hà