Trong những ngày đầu năm mới, các doanh nghiệp toàn cầu đổ xô phát hành trái phiếu. Mục tiêu của họ là tiếp cận thị trường vốn trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất. Lãi suất này đã được duy trì ở gần 0% từ đầu đại dịch.
Tại Mỹ, các công ty đã huy động gần 96 tỷ USD, tính đến hết ngày 12/1, theo dữ liệu của Refinitiv. Đây là con số khởi đầu năm mạnh nhất kể từ năm 2003.
"Số vốn huy động được trong vài tuần đầu năm rất lớn. Nó không chỉ phản ánh các công ty đang cố gắng tăng sức cạnh tranh, mà còn cho thấy lãi suất có thể tăng 1% hoặc hơn cuối năm nay", Barnaby Martin – chiến lược gia tín dụng tại Bank of America cho biết trên CNN, "Tình hình hiện tại rất khác so với vài năm gần đây".
Fed ám chỉ có thể nâng lãi 3 lần năm 2022. Dù vậy, nhiều tổ chức tại Wall Street cho rằng con số này có thể lên 4, nhằm kiếm chế giá cả đang tăng cao. Một số nhà hoạch định chính sách cho biết họ sẽ không phản đối việc này.
"Hiện tại, tôi dự định nâng lãi 3 lần năm nay và sẵn sàng bắt đầu từ tháng 3", Patrick Harker – chủ tịch Fed Philadelphia cho biết trên Financial Times trong một cuộc phỏng vấn tuần này, "Có thể là nhiều hơn nếu cần thiết".
Theo Refinitiv, các công ty phát hành trái phiếu nổi bật trong tháng này là General Motors, Ford, Caterpillar, Deere, hãng bảo hiểm MetLife và Dick's Sporting Goods.
Xu hướng này rất rõ ràng tại Mỹ và châu Âu, Martin cho biết. Nó được hình thành trên giả thiết kể cả khi lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp kỷ lục, việc vay vốn sẽ chỉ ngày càng đắt đỏ hơn mà thôi. "Nếu thực sự lãi suất sẽ tăng, hiện tại là thời điểm tốt nhất cho các công ty", Martin nói.
Các công ty có vốn hóa lớn, với đánh giá tín nhiệm tốt đang dẫn đầu trào lưu này. Tuy nhiên, nhiều hãng khác có điểm tín dụng thấp hơn cũng cố gắng gia nhập cuộc đua. Hãng điều hành du thuyền Royal Caribbean tuần trước đã huy động được 1 tỷ USD.
CEO AMC Entertainment Adam Aron gần đây cũng tiết lộ dự định của ông trên thị trường trái phiếu. Trên Twitter, ông cho biết "mục tiêu năm mới cho AMC" là tái cấp vốn một số khoản vay của chuỗi rạp phim này, nhằm giảm chi phí lãi suất và củng cố bảng cân đối kế toán.
Thời gian tới, việc các doanh nghiệp đi vay được dự báo giảm đi. Paul Watters – Giám đốc nghiên cứu tín dụng tại S&P Global Ratings châu Âu cho biết việc các tổ chức phi tài chính phát hành trái phiếu được dự báo giảm 7% trên toàn cầu năm nay.
Một yếu tố lý giải là việc tái cấp vốn sẽ kém hấp dẫn hơn một khi lãi suất bắt đầu tăng, Watter nói. Các công ty đã tích lũy số tiền mặt lớn nhờ môi trường đi vay thuận lợi suốt 2 năm qua. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc của doanh nghiệp vào vốn vay để giảm thiểu rủi ro với nền kinh tế.
Nhìn chung, hoạt động đi vay trong năm nay có thể sẽ yếu hơn. Nhưng ít nhất thì hiện tại, làn sóng đi vay vẫn đang rất mạnh.
Hà Thu