Các công ty chứng khoán lớn và có thời gian hoạt động tương đối dài như công ty chứng khoán Sài Gòn , Bảo Việt, VietcomBank, ACB và BSC ... đã chiếm hơn 80% thị phần theo một thống kê cuối năm 2007. Theo số liệu từ trang Web của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có tới 91 công ty chứng khoán trải dài từ bắc vào nam. Như vậy, mảnh đất còn lại cho các công ty chứng khoán nhỏ hoặc mới thành lập là rất eo hẹp.
Trong khoảng 3 tháng gần đây, lượng giao dịch trung bình của thị trường chứng khoán là khoảng 400 tỷ đồng trong một phiên. Mức phí giao dịch trung bình từ 0,3 đến 0,4% cho một giao dịch mua hoặc bán cổ phiếu. Bình quân một công ty chứng khoán vừa và nhỏ sẽ thu được vẻn vẹn chỉ khoảng 4-5 triệu đồng một ngày, khoảng gần 100 triệu một tháng.
Để một công ty chứng khoán với đầy đủ năm nghiệp vụ, là môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, lưu ký, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, hoạt động bình thường cần tối thiểu từ 25 cho đến 30 nhân viên. Có đến trên 80% các công ty chứng khoán đăng kí đầy đủ cả năm nghiệp vụ trên. Mức lương bình quân của nhân viên tại một công ty chứng khoán là 4 triệu đồng một tháng. Như vậy chỉ riêng việc trả lương cho nhân viên đã "ngốn" phần lớn doanh thu của các công ty nhỏ.
Ngoài ra, do xu thế giảm cả giá trị và tính thanh khoản của thị trường, trong thời gian này, nhiều doanh nghiệp đã hoãn kế hoạch IPO hoặc phát hành thêm cổ phiếu mới. Vậy nên các công ty chứng khoán không nhận được nhiều hợp đồng bảo lãnh, tư vấn phát hành, và cả những hợp đồng môi giới do lòng tin của khách hàng với các công ty đang ở mức rất thấp.
Anh Điệp, nhà đầu tư tại công ty chứng khoán SSI, tỏ ra khá ngán ngẩm khi nhận xét về dịch vụ tư vấn tại các công ty chứng khoán. Anh nói: "Đến chính khối tự doanh của các công ty chứng khoán còn lỗ nói gì đến việc tư vấn cho người khác". Cũng theo nhà đầu tư trên, công ty chứng khoán nào càng cho vay repo, cầm cố hoặc dùng nhiều tiền để tự doanh sẽ càng lỗ nặng.
Những ngày vừa qua, khi sàn TP HCM tạm ngừng giao dịch, các công ty chứng khoán chỉ còn trông chờ vào lượng giao dịch ít ỏi trên sàn Hà Nội. Đại diện nhiều công ty chứng khoán than thở, thà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho ngừng giao dịch tại cả hai sàn còn hơn. Chi phí hoạt động trong một ngày của một công ty chứng khoán là khá lớn, nếu tình trạng chỉ phục vụ khách hàng tại một sàn còn kéo dài các công ty sẽ càng gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một số công ty chứng khoán đang cho repo quá mức. Doanh số repo của những công ty này có thể lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng.
Trước tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, các công ty chứng khoán đang thực hiện cắt giảm nhân sự hàng loạt. Thậm chí tại một công ty chứng khoán, trợ lý giám đốc phải kiêm luôn vai trò của nhân viên tư vấn và giao dịch với khách hàng.
Theo một chuyên gia tài chính với một quốc gia có nền chứng khoán non trẻ như nước ta, con số hơn 90 công ty chứng khoán là quá nhiều. Xu hướng phá sản, hoặc sáp nhập của các công ty chứng khoán nhỏ với các công ty lớn sẽ là xu hướng tất yếu. Trước đây, tại Thái Lan đã từng có hơn 200 công ty chứng khoán, con số này hiện nay là trên dưới 50 công ty. Tại Trung Quốc đã từng "nở rộ" tới 2.000 công ty, hiện chỉ là 70 công ty. Theo ông, tại một thị trường như Việt Nam, con số chừng dưới 50 công ty là phù hợp.
Ông nhận định các công ty chứng khoán gặp khó khăn trong hoạt động nên dần chuyển sang hoạt động như đại lý nhận lệnh cho các công ty chứng khoán lớn. Đây là một hướng đi đang được một số công ty lựa chọn, dù trên giấy tờ họ vẫn hoạt động bình thường. Việc chuyển hướng hoạt động như trên sẽ giúp công ty cắt giảm tối đa nhân sự và vẫn giữ được lượng khách hàng như cũ.
Cùng với tình hình hoạt động nghèo nàn của các công ty chứng khoán, cổ phiếu của nhóm các công ty này cũng sụt giảm thê thảm. "Anh cả" SSI đã mất tới hơn 80% kể từ ngày chuyển sàn, cổ phiếu của công ty chứng khoán Hải Phòng cũng giảm từ trên 100 nghìn một cổ phiếu xuống "đầu" 2 sau 5 tháng đầu năm. Các "đàn em" khác trên thị trường OTC cũng mất điểm khoảng 80% kể từ cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên chỉ những công ty chứng khoán với dịch vụ tốt, hệ thông hạ tầng kỹ thuật hiện đại và ổn định, và có ý thức nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng mới có thể tồn tại được trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay. Tồn tại qua được giai đoạn này, những công ty trên sẽ có chỗ đứng ổn định trên thị trường và tạo được uy tín với khách hàng. Bên cạnh đó, theo ông, việc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nôi sắp đưa "chợ OTC" vào họat động sẽ tạo thêm một nguồn thu đáng kể để có thể giúp các công ty chứng khoán thoát cơn "bĩ cực" hiện nay.
Xuân Hòa