![]() |
Hồ Gươm nước đang tiếp tục cạn. Ảnh: Cao Tuấn |
Trong quyết định số 1507 ngày 10/4/2000, UBND thành phố Hà Nội giao việc quản lý hồ Gươm cho UBND quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND quận Hoàng Công Khôi cho rằng, cơ quan này chỉ quản lý an ninh trật tự, mỹ quan xung quanh hồ, còn việc đầu tư, cải tạo hồ Gươm là do thành phố chỉ đạo. Theo ông Khôi, nhằm khắc phục việc hồ cạn, thành phố nên tiến hành nạo vét lòng hồ và phải làm bằng phương pháp thủ công, không dùng máy móc để tránh đụng chạm tới "cụ" rùa linh thiêng.
Quyền giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội Phan Đăng Long thì khẳng định, Sở chỉ quản lý 3 di tích gồm: tháp rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chứ không quản lý mặt nước hồ. "Hồ đầy hay vơi không phải do chúng tôi chịu trách nhiệm. Việc này phải do Sở Giao thông công chính hoặc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất quản lý", ông Long nói.
Song ngay chính đơn vị được cho là người quản lý này cũng phủ nhận trách nhiệm. Ông Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, cho hay, cơ quan này không được giao trách nhiệm quản lý mặt nước hồ Gươm và đến nay chưa nhận được thông tin về tình trạng khô cạn. Ông cho biết, năm 1993, thành phố cũng tiến hành nạo vét hồ một lần, song vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà khoa học. "Cần có một cuộc họp khẩn của các nhà khoa học và nhà quản lý để tìm ra giải pháp tốt nhất cho hồ Gươm. Việc phân định cơ quan quản lý mặt nước hồ cần rõ ràng, tránh tình trạng khi hồ có vấn đề, các cơ quan đùn đẩy cho nhau", ông Bình nói.
Để tìm ra giải pháp chống hạn cho công trình quan trọng vào bậc nhất của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc Sở Giao thông công chính, cho biết, sẽ có một cuộc họp bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, ngày giờ thế nào thì ông không tiết lộ.
Như Trang