Chia sẻ tại diễn đàn "Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản" do Đài Hà Nội tổ chức ngày 9/4, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết Chính phủ đã có nhiều cơ chế đặc thù như Nghị quyết 170 và 171 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Các cơ chế này tạo động lực lớn cho nhà đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc pháp lý về đất đai.
Tuy nhiên theo ông, cơ chế vẫn đang "tháo không đều", mới "cởi mở một phần", còn nhiều vấn đề lớn chưa được giải quyết dứt điểm, gồm pháp lý, dòng vốn và nguồn cung. Trong đó vướng mắc về pháp lý là rào cản lớn nhất, khiến 1.136 dự án trên cả nước "đắp chiếu", kéo theo gần 3,5 tỷ USD từ các dự án này nằm bất động và liên đới nhiều lĩnh vực như vật liệu, tiêu dùng, nội thất, điện tử... Gói hỗ trợ tín dụng lại chưa có những biện pháp về hành chính thủ tục cụ thể để các nguồn vốn đó được giải ngân.
Một vấn đề nhức nhối khác là giá nhà tăng phi mã vượt tầm tài chính số đông, thị trường toàn nhà cao cấp,"tuyệt chủng" nhà bình dân, còn nhà ở xã hội nguồn cung nhỏ giọt. "Sự lệch pha cung - cầu nghiêm trọng là biểu hiệu cho thấy thị trường đang phát triển thiếu lành mạnh", ông Đính nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam. Ảnh: BTC
Giáo sư Trần Ngọc Thơ, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, ví von thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay như người già mắc ba thứ bệnh là cao huyết áp, đường huyết và mỡ máu.
Dẫn giải cụ thể hơn, ông cho biết "huyết áp" ở đây chính là giá nhà, "đường huyết" là dòng vốn và "mỡ máu" là hàng tồn kho. Cả 3 thứ này đều đang quá cao theo hướng không ai mong muốn. Giá nhà tính trên thu nhập người dân đã vượt xa mấy chục lần, không xử lý sẽ mất thanh khoản; dòng vốn quá lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng, kênh huy động này "bóp lại" là thị trường rơi vào nguy cơ tắc nghẽn vốn. Cuối cùng là hàng tồn kho, nợ xấu bất động sản tích luỹ dần như những mảng xơ vữa trong hệ thống ngân hàng, âm thầm gây ra đột quỵ tài chính.
Còn theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, bất động sản đang quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Hiện tổng dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn TP HCM đạt hơn một triệu tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng dư trên địa bàn. Tăng trưởng lĩnh vực này đang cao hơn tăng trưởng chung.
Để chữa căn bệnh của thị trường, Giáo sư Hoàng Văn Cường, Uỷ viên ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nói thị trường bất động sản cần có thêm các cơ chế đặc thù khác để giải quyết những tồn đọng vĩ mô hơn. Thủ tục đầu tư và nguồn lực dành cho phát triển các dự án bất động sản cũng phải được tinh gọn, khơi thông hoàn toàn. "Cơ chế phải đột phá, dám bước ra vùng an toàn", ông Cường nói thêm.

Giáo sư Hoàng Văn Cường, Uỷ viên ban Tài chính - Ngân sách Quốc Hội. Ảnh: BTC
Các chuyên gia cho rằng việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản là cần thiết. Tuy nhiên, chất lượng dòng vốn cần được ưu tiên cải thiện hơn. Dòng tiền bơm vào thị trường cần kiểm soát tốt, phải hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản về giá trị thực, phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân.
Ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho hay cơ quan này đang nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội một cách hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, chứ không chỉ giới hạn cho người thu nhập thấp.
Chính phủ hiện xây dựng và trình Quốc hội về các cơ chế chính sách mới để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Đặc biệt với vấn đề nguồn vốn đang được đẩy nhanh tiến trình thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính và thủ tục đầu tư cũng được nghiên cứu tinh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội như đã đề ra.
Phương Uyên