Chia sẻ với VnExpress sáng 12/7, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, từ tối qua (11/7) chợ đã bắt đầu tổ chức thử nghiệm phân luồng, bố trí lực lượng bảo vệ chốt chặn để hướng dẫn xe vào trung chuyển hàng hoá.
Tuy nhiên, do thương nhân chưa sắp xếp được nhân công xếp trung chuyển hàng hoá nên số lượng chưa nhiều. Thử nghiệm tối 11/7 mới có 6 thương nhân đủ điều kiện để được giao nhận hàng hoá, với lượng hàng rau củ quả hơn 120 tấn, trái cây gần 129 tấn.
"Trong thời điểm cả Bình Dương, TP HCM bị phong toả, đi lại rất khó khăn giữa 2 địa phương, hy vọng hôm nay thương nhân bố trí thêm được nhân công bốc xếp, lượng hàng trung chuyển sẽ tăng", vị này chia sẻ.
Với chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, hôm qua (11/7) ban quản lý chợ mới trình phương án trung chuyển rau củ quả, tái mở cửa một phần chợ này lên Sở Công Thương, UBND TP HCM và đang chờ quyết định.
Theo ông Dũng, phương án xây dựng trung chuyển hàng hoá (chủ yếu là rau củ quả) chợ Hóc Môn, ban quản lý bố trí bãi tập kết rộng hơn 2.000 m2 (chứa khoảng 10 xe container hàng). Phương tiện vận tải phải đạt yêu cầu "luồng xanh" (an toàn, đáp ứng các quy định phòng dịch như lái xe phải có test Covid - 19 âm tính...) mới được chấp nhận tham gia kinh doanh. Các xe chở hàng sẽ được phân luồng, đỗ cách nhau 3-4 m, nhanh chóng sang hàng với xe nhập và sau đó rời khỏi chợ theo luồng đã phân định. Tất cả người, phương tiện vào, ra chợ đều phải tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch, xe được tiêu độc, khử trùng...
Nếu phương án này được chấp thuận, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng hơn 100 tấn hàng rau củ quả được trung chuyển tại chợ Hóc Môn, đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu, lương thực thực phẩm cho người dân TP HCM trong thời gian phong toả.
Ông Dũng thông tin thêm, từ thời điểm đóng cửa chợ ngày 28/6 để phòng dịch, chợ Hóc Môn đã được khử trùng 3 lượt. Kế hoạch tái mở cửa chợ này liên tục bị lùi lại do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Vì thế, bối cảnh dịch tại TP HCM vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, việc mở lại một phần hoạt động của chợ được "tính toán kỹ, làm chậm và chắc từng bước".
"Nhiều thương lái hỏi tôi bao giờ chợ mới mở trở lại, nhưng thực lòng là tôi cũng không rõ. Phương án trung chuyển hàng đã được xây dựng và trình, giờ chúng tôi chờ quyết định cuối cùng từ cấp có thẩm quyền", ông Dũng chia sẻ.
Trả lời VnExpress trưa 7/12, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, chợ đầu mối Nông Sản Thủ Đức đã chuẩn bị để đưa vào triển khai trong hôm nay. Riêng chợ đầu mối Hóc Môn, Sở đã nhận được phương án của ban quản lý chợ nhưng chưa được thống nhất hoàn toàn vì còn phải chờ UBND huyện Hóc Môn phê duyệt. Riêng chợ Bình Điền do nằm trong khu phong tỏa nên vẫn chưa thể mở trở lại.
Tuy nhiên, đa số thương nhân đã tạm ngưng hoạt động kinh doanh sau khi Chợ ngưng hoạt động. Một số vẫn tiếp tục hoạt động giao dịch trực tuyến qua điện thoại, Zalo, Facebook... rồi tổ chức giao nhận hàng đến tận chợ lẻ. Một số tiếp tục chuyển hàng về tập kết tại các khu vực chành, vựa, kho bãi và kể cả các khu đất trống, lề đường các tuyến đường quanh và gần các chợ đầu mối, hình thành nên các điểm mua bán tự phát.
Để giải quyết tình trạng này và đảm bảo việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, sau khi xem xét, đánh giá kỹ lưỡng điều kiện và yêu cầu thực tế, TP đã giao Sở Công thương và TP Thủ Đức, Quận 8, huyện Hóc Môn hướng dẫn 3 chợ xây dựng phương án, tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời tại khu vực sân bãi của các chợ nhận hàng từ vùng nguyên liệu về các chợ lẻ. Việc hoạt động này được yêu cầu giới hạn và không phát sinh giao dịch, mua bán và thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch.
Từ ngày 28/6, chợ nông sản đầu mối Hóc Môn dừng hoạt động, còn chợ đầu mối Bình Điền, chợ Thủ Đức cũng dừng từ 6/7 và 7/7 để phòng chống Covid-19 sau khi xuất hiện các ca nhiễm tại đây. Việc cả 3 chợ đầu mối lớn của TP HCM phải dừng hoạt động vì Covid-19 ảnh hưởng nhiều tới tình hình cung ứng hàng cho thành phố, tiêu thụ hàng của các tỉnh miền Tây, Đà Lạt...
Ngoài đóng cửa 3 chợ đầu mối, hơn một nửa chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM - tương đương gần 110 chợ và khoảng 60 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa vì liên quan các ca lây nhiễm Covid-19.
Đến trưa 12/7, TP HCM ghi nhận 13.556 ca nhiễm Covid-19, dẫn đầu cả nước kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát cuối tháng 4.
Hoài Thu - Thi Hà