Bảo vệ tài nguyên nước
Để bảo vệ tài nguyên nước, công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành 2 hệ thống, gồm: tháp giải nhiệt, xử lý nước thải ứng dụng công nghệ nitơ sinh học.
Quy trình sản xuất tại nhà máy tiêu tốn một lượng nước lớn để giải nhiệt cho máy móc và nguồn nước này dùng từ sông Đồng Nai. Năm 2009, lượng nước sông sử dụng để hạ nhiệt cho máy lên đến 864.286m3. Ứng dụng công nghệ mới, công ty xây dựng hệ thống tháp giải nhiệt với hồ chứa nước riêng ra đời, sử dụng tuần hoàn nước chứa từ các hồ để làm mát. Từ khi đi vào hoạt động, đến năm 2017 lượng nước sử dụng giảm đến 84,5%, chỉ còn 125.492m3.
Riêng với hệ thống xử lý nước thải, công ty đầu tư 100 tỷ đồng. Hệ thống xử lý nitơ sinh học tiên tiến từ Nhật Bản và có công suất xử lý 3.400m3 nước thải một ngày. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn QCVN 40:2011, được kiểm soát nghiêm ngặt bằng hệ thống ghi nhận dữ liệu quan trắc tự động và báo cáo trực tuyến đến Sở Tài nguyên và môi trường.
Giảm chất thải rắn và khí
Đối với 2 nguồn chất thải khác là rắn và khí, Ajinomoto cũng có những chương trình để giảm thiểu tác động tới môi trường. Cụ thể, đến năm 2017, chương trình "Không phát thải" 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) đã thu hồi và tái chế 99,97% chất thải rắn của toàn công ty.
Vận hành lò hơi sinh học, cung cấp hơi nước phục vụ sản xuất cũng góp phần cắt giảm 52% lượng khí thải CO2 ra môi trường. Sử dụng trấu ép (vỏ trấu được nén chặt lại thành khối) làm nhiên liệu thay cho các nguồn nhiêu liệu hóa thạch còn giúp tiêu thụ 100.000 tấn vỏ trấu một năm (1,6% tổng lượng vỏ trấu của Đồng bằng sông Cửu Long).
Ông Hoàng Văn Quốc Chương - phụ trách nhà máy Biên Hòa cho biết thêm một tác động khác khi sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh là: "Thay vì người dân đổ bỏ vỏ trấu tràn lan trên sông, họ gom lại để ép và đem đi bán, mang đến giá trị kinh tế lớn".
Chu trình sinh học Bio-cycle
Hướng đến sự phát triển bền vững, doanh nghiệp áp dụng chu trình sinh học khép kín để sản xuất bột ngọt Ajinomoto. Cụ thể, nguyên liệu được sử dụng là tinh bột sắn (khoai mì), mật mía đường. Trong quá trình sản xuất, công ty nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đồng hành gồm: phân bón sinh học dạng lỏng, rắn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Các sản phẩm đồng hành này cung cấp nguồn dinh dưỡng trở lại cho đất, cải thiện năng suất, chất lượng mùa vụ, từ đó phát triển nguồn thực phẩm, đảm bảo nguyên liệu bền vững để phục vụ quá trình sản xuất của công ty.
Tìm kiếm năng lượng thay thế
Để tiết kiệm năng lượng, công ty đã thành lập Ban chuyên trách về năng lượng. Ajinomoto Việt Nam sử dụng các chương trình vận hành máy móc, công nghệ mới nhằm giảm tiêu thụ điện năng. Đồng thời, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, gió cho quá trình gia nhiệt, đèn chiếu sáng.
Ban chuyên trách cũng tiến hành kiểm toán năng lượng định kỳ để đánh giá thực trạng sử dụng, đề xuất giải pháp cải thiện. Sau 7 năm triển khai, đến năm 2017, công ty đã giảm đến 19% điện năng tiêu thụ và 26% hơi nước bão hòa. Công ty còn tăng cường nhận thức bảo vệ môi trường với công nhân viên qua các hoạt động: vệ sinh nhà máy hàng tháng, làm sạch địa phương, thiết kế không gian xanh cho nhà máy (mái che, mảng tường, mái ngói xanh).
Ông Masaki Kobayashi, Giám đốc khối sản xuất Ajinomoto cho biết, tập trung vào mục tiêu môi trường nhìn thì đơn giản nhưng không phải dễ. Tức là công ty không chỉ nhắm vào các đích đến như giảm năng lượng, nước sông mà còn phải tìm kiếm các giải pháp đi kèm như giảm chi phí, hạn chế tác động nước thải, đóng góp cho những vấn đề khác của xã hội...
Hoài Nhơn