Nghiên cứu do Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan và Đại học Santa Barbara (UCSB) thực hiện, công bố ngày 30/8. Theo Ty Beal, chuyên gia kỹ thuật cao cấp tại Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng, kết quả này đáng báo động.
"Hầu hết người dân trên tất cả các khu vực, quốc gia, thuộc mọi tầng lớp, thu nhập không tiêu thụ đủ vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Những khoảng trống này làm tổn hại đến kết quả sức khỏe, hạn chế tiềm năng của con người trên quy mô toàn cầu", Beal nói.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu chế độ ăn uống để ước tính mức tiêu thụ toàn cầu của 15 vi chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, iốt, sắt, riboflavin, folate, kẽm, magiê, selen, thiamin, niacin và vitamin A, B6, B12, C và E.
Họ xác định 68% dân số thế giới không nhận đủ iốt (có trong hải sản, trứng và sữa và cần thiết để tạo ra hormone tuyến giáp). 67% dân số không đủ vitamin E, 66% dân số thiếu hụt canxi và 65% số người không ăn đủ sắt. Mức tiêu thụ canxi thấp đáng kể ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Á.
Lượng niacin hấp thụ gần với mức tiêu chuẩn. Chỉ 22% dân số thế giới thiếu vi lượng này, tiếp đến là thiamin (30%) và selen (37%).
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có lượng iốt, vitamin B12, sắt và selen kém hơn nam giới, trong khi nam giới gặp khó khăn trong việc tiêu thụ đủ canxi, niacin, thiamin, kẽm, magie và vitamin A, C và B6.
"Nghiên cứu là bước tiến lớn. Đây là công trình đầu tiên ước tính lượng chất dinh dưỡng ở 34 nhóm tuổi theo giới tính hầu hết quốc gia. Nó giúp các nhà nghiên cứu và học viên dễ dàng tiếp nhận phương pháp luận và kết quả này", Chris Free, giáo sư của UCSB, cho biết.
Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể gây ra mệt mỏi, đau xương, rụng tóc và suy nhược. Thiếu iốt gây suy giáp, làm chậm tốc độ trao đổi chất, giảm năng lượng tạo ra từ đốt cháy calo. Ít năng lượng hơn cũng làm cho cơ bắp kém hoạt động khiến cơ thể yếu đi.
Thục Linh (Theo NY Post)