Điểm lại các thành tựu sau 3 thập kỷ, tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" còn là dịp để đại diện các doanh nghiệp tư nhân trải lòng về những khó khăn trên chính thị trường nội địa, từ đó đối thoại, kiến nghị với những nhà làm chính sách.
Cần có doanh nghiệp mũi nhọn
Có mặt tại tọa đàm, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch tập đoàn Bkav bày tỏ tiếng nói của một doanh nghiệp công nghệ "Made in Vietnam". Chiến lược "Xây tổ cho đại bàng nội" từ góc nhìn của một đơn vị về công nghệ, theo đại diện Bkav, cần tập trung xây dựng các doanh nghiệp mũi nhọn.
"Tại Hàn Quốc, Trung Quốc, những tập đoàn lớn chiếm khoảng 50-60% GDP", ông Thắng dẫn số liệu. "Nếu Việt Nam xây được những doanh nghiệp tương tự, lực lượng này có thể dẫn dắt nền kinh tế phát triển mạnh mẽ", đại diện Bkav nhấn mạnh, gọi đây là những "cánh chim đầu đàn để Việt Nam cất cánh".
Để xây dựng doanh nghiệp mũi nhọn, ông Thắng đề xuất Chính phủ lựa chọn dựa trên các tiêu chí, như có những sản phẩm công nghệ nổi trội, lượng người sử dụng lớn, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm công nghệ nước ngoài tương tự.
Ông Thắng cũng đề xuất cần có cơ chế tín dụng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ, việc đầu tư rất tốn kém, tài sản trí tuệ khó định lượng.
Thiếu các doanh nghiệp tư nhân đầu tàu cũng là thực trạng mà ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái đưa ra. Theo vị này, nguyên nhân do nhiều đơn vị chưa minh bạch về hoạt động kinh doanh, còn tư duy "riêng lẻ khoẻ ăn", tự cạnh tranh, làm suy yếu lẫn nhau.
Theo ông Đoàn, Chính phủ có thể hạn định số lượng đơn vị tham gia vào một số ngành nghề để tránh lãng phí nguồn lực. Ông nhấn mạnh vai trò quy hoạch, ví dụ không nên để tỉnh nào cũng làm du lịch, công nghiệp, không nên phát triển tràn lan, chồng chéo.
Thái độ của địa phương
Là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, ông Lương Hữu Lâm, Phó tổng giám đốc Giovanni Group, chia sẻ một thực tế rằng nhiều địa phương ngại tiếp nhận những dự án liên quan đến ngành may mặc, dệt may. Điều này gây khó cho các doanh nghiệp khi cần tìm những khu vực chuyên về chế xuất, cung ứng nguyên phụ liệu.
"Có dự án quốc tế đề xuất mang đến các công nghệ nhuộm không dùng nước, tức không có nước thải, nhưng địa phương từ chối luôn vì quy trình đánh giá dự án phải dựa trên một mẫu nước thải", ông Lâm kể lại.
Từ thực trạng này, đại diện Giovanni đề xuất các địa phương cần cập nhật các kiến thức, công nghệ đánh giá hiện đại hơn, góp phần nâng cao chất lượng ngành dệt may, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do mới.
Đồng quan điểm, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC cũng cho rằng thái độ ứng xử, tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp là những yếu tố tiên quyết khi FLC cân nhắc, quyết định đầu tư.
"Có một thực tế khi các địa phương thu hút đầu tư FDI, họ cam kết giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chịu phạt nếu không hoàn thành kịp tiến độ vì nhà đầu tư nước ngoài đưa ra yêu cầu rất cao. Tuy nhiên với doanh nghiệp trong nước thậm chí quy mô lớn hơn công ty nước ngoài thì lại sự không có sự cam kết đó", bà Hương nói.
"Doanh nghiệp nếu nhận được sự chào đón chân thành của chính quyền thì sẽ cảm thấy có thiện cảm và yên tâm khi đầu tư", đại diện doanh nghiệp cho hay.
Với ý kiến chính sách riêng cho doanh nghiệp lớn, bà Dung cho rằng không cần thiết song cần chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn trong những ngành được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế.
Điểm yếu về hạ tầng
Liên quan đến ngành logistics, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Chiến lược - Công ty CP Fado Việt Nam lại chỉ ra điểm yếu về hạ tầng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
"Tại khu chế xuất, kho ngoại quan gần như chưa có ưu đãi cho doanh nghiệp thương mại điện tử, trong khi kênh này được coi là xu thế tương lai", ông Hùng nói.
Lấy ví dụ từ Trung Quốc, ông cho biết các doanh nghiệp thương mại điện tử tại đây có khu free zone với nhiều ưu đãi khi đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ. Các doanh nghiệp thương mại điện tử được Nhà Nước ưu đãi cho bất kỳ giao dịch nào, từ đó giảm áp lực chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh.
Phong Vân
Video: Huy Mạnh