Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin và Du lịch huyện đảo Cô Tô, cho biết mỗi con cá voi dài 5-10 m, nặng hàng tấn. Chúng đến kiếm ăn ở vùng biển Đầu Trâu và bãi đá Móng Rồng, cách đảo Cô Tô lớn khoảng 700 m.
"Cá voi thường xuất hiện khoảng 15-20 phút buổi sáng, bơi rất gần thuyền đánh cá của ngư dân, nổi lên để thở và há to miệng đớp mồi, tạo cảnh tượng rất kỳ thú", ông Linh nói. Nhiều người đi biển ở Cô Tô đã dùng điện thoại ghi lại.
Tháng 9 là thời điểm các loài cá sinh sản, biển Cô Tô có nhiều đàn cá con nên thu hút cá voi đến kiếm ăn. "Mọi năm cũng có cá voi nhưng chỉ một vài con. Điều này cho thấy hệ sinh thái biển Cô Tô đang phục hồi", ông Linh nói.
Cá voi là một trong những động vật lớn nhất sống dưới nước, thường giúp ngư dân vượt qua bất trắc trên biển nên người dân một số địa phương có tục thờ cúng cá.
Năm nay, huyện Cô Tô mạnh tay ngăn chặn việc đánh bắt tận diệt hải sản. Từ tháng 8/2022, huyện đảo đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nylon, đồ nhựa một lần và đạt kết quả tích cực. Đến ngày 15/9 vừa qua, quy định này được triển khai chính thức.
Do vậy, môi trường biển Cô Tô (đảo cách đất liền khoảng 80 km) được cải thiện, một số loại động vật quý hiếm như rùa, vích, cá heo đã quay lại sinh sống. Ý thức người dân về việc thay thế các đồ dùng thân thiện với môi trường cũng tốt hơn.
Lê Tân