Tháng 8 năm ngoái, một nhóm nhà cổ sinh vật học thông báo phát hiện xương hóa thạch của loài cá voi cổ đại khổng lồ. Theo họ, cá voi Perucetus có thể nặng hơn 200 tấn, biến nó thành động vật nặng nhất từng sống trên Trái Đất. Nhưng trong nghiên cứu công bố trên tạp chí PeerJ, hai nhà khoa học bác bỏ suy đoán đó. Theo Nicholas Pyenson, nhà cổ sinh vật học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian, một trong hai tác giả của nghiên cứu mới, con số trên là vô nghĩa, Interesting Engineering hôm 1/3 đưa tin.
Phân tích của Pyenson và Ryosuke Motani, nhà cổ sinh vật học ở Đại học California, Davis, kết luận Perucetus có thể nặng 60 - 70 tấn, lớn cỡ một con cá nhà táng. Họ cũng phân tích hóa thạch cá voi xanh và đưa ra ước tính mới về trọng lượng loài này. Họ kết luận cá voi xanh nặng tới 270 tấn, lớn hơn nhiều ước tính trước đây là 150 tấn. Do đó, chúng là loài nặng nhất từng được biết đến trong lịch sử vương quốc động vật.
Perucetus lần đầu tiên thu hút sự chú ý vào năm 2010 khi Mario Urbina, nhà cổ sinh vật học ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Đại học Quốc gia San Marcos ở Lima, Peru, bắt gặp một chiếc xương trên sa mạc phía nam Peru. Ông và đồng nghiệp khai quật 13 chiếc xương sống, 4 xương sườn và một phần xương chậu. Những chiếc xương có nhiều dấu hiệu đặc trưng của xương cá voi nhưng lớn và nặng khác thường. Nhóm của Urbina tái phục dựng toàn bộ bộ xương của Perucetus thông qua nghiên cứu những loài cá voi nhỏ hơn nhiều sống cùng thời điểm. Họ cũng lấy cảm hứng từ lợn biển còn sống ngày nay, loài có bộ xương đặc cho phép chúng chìm dưới nước để gặm cỏ biển.
Urbina và cộng sự rút ra hình ảnh phục dựng của một động vật kỳ lạ. Nó có chiếc vòi dài khổng lồ, đầu nhỏ, có chân chèo và chân sau. Motani, chuyên gia về phục dựng cơ thể động vật biển tuyệt chủng, khá bối rối trước kết luận đó. Ông liên lạc với Pyenson, chuyên gia về hóa thạch cá voi. Cả hai đều cảm thấy lập mô hình Perucetus theo lợn biển là một sai lầm, bởi chỉ có cá voi tiến hóa tới kích thước cực đại.
Trong nghiên cứu mới, Pyenson và Motani xem xét những loài cá voi còn sống. Do không thể đưa cá voi xanh còn sống lên bàn cân, chưa có ai đo được chính xác trọng lượng của nó. Nhóm nghiên cứu rà soát dữ liệu thu thập bởi các tàu đánh bắt cá voi Nhật Bản vào thập niên 1940, và sử dụng thông tin đó làm nền tảng cho ước tính mới. Họ cũng tạo ra mô hình 3D của cá voi xanh, dùng làm mô hình của Perucetus. Với cách tiếp cận này, họ ước tính Perucetus nặng 60 - 70 tấn, ít hơn nhiều so với kết luận trước đó.
Eli Amson, chuyên gia về mô xương ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Stuttgart, Đức, đồng tác giả nghiên cứu trước đó, không đồng ý với hướng tiếp cận của Pyenson và Motani. Theo ông, loài cá voi xanh đã tuyệt chủng có đặc điểm sinh học rất khác với những loài cá voi gần đây. Ông và cộng sự đang lập mô hình 3D riêng của loài vật cổ đại. Họ nhận thấy Perucetus giống lợn biển hơn nhiều so với suy đoán ban đầu, củng cố kết luận nó lớn tương đương hoặc hơn cá voi xanh về trọng lượng.
Pyenson nói Perucetus vẫn là một phát hiện lớn, dù có kích thước nhỏ theo như kết luận của ông và Motani. Giới cổ sinh vật học từ lâu cho rằng cá voi tiến hóa tới kích thước khổng lồ chỉ trong vài triệu năm qua. Ngay cả nặng 60 tấn, Perucetus vẫn là gã khổng lồ trong số những loài cá voi thời kỳ đầu.
An Khang (Theo Interesting Engineering)