Trong một báo cáo vào hôm qua, các quan chức từ Sở Môi trường, Đất đai, Nước và Quy hoạch (DEWLP) của bang Victoria xác định sinh vật là một "con cá voi lưng gù cái chưa trưởng thành", nhưng không rõ nó đã chết bao lâu.
Cá voi lưng gù trắng rất hiếm trong tự nhiên và nhiều người nghi ngờ mẫu vật dạt vào Mallacoota có thể là Migaloo, con cá voi bạch tạng nổi tiếng nhất thế giới từng di cư qua bờ biển phía đông Australia, nhưng không ai biết tung tích của nó trong hai năm qua. Tuy nhiên, báo cáo của DEWLP đã trực tiếp phủ nhận điều này vì Migaloo là một cá thể đực.
Nhà động vật học Vanessa Pirotta từ Đại học Macquarie nói với đài truyền hình quốc gia Australia rằng chưa thể xác định mẫu vật ở Mallacoota có phải là trường hợp bạch tạng hay không.
"Theo thời gian sau khi cá voi chết, da của nó có thể bị bào mòn và chuyển sang màu trắng. Nhưng dựa vào những hình ảnh được chia sẻ, đây rất có vẻ là một con cá voi bạch tạng thực sự", Pirotta cho biết.
Theo ABC, các nhà chức trách sẽ tiến hành khám nghiệm xác và lấy mẫu gene để hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra, bao gồm cả nguyên nhân gây ra cái chết của con vật.
Màu da trắng của cá voi thường do hai hội chứng riêng biệt gây ra: bạch tạng và bạch thể. Migaloo mắc hội chứng bạch tạng, có nghĩa là nó không thể tạo ra melanin, hắc tố chịu trách nhiệm cho màu da và mắt. Trong khi đó, hội chứng bạch thể chỉ ảnh hưởng một phần tới khả năng sản sinh melanin của các tế bào sắc tố, thay vì ngăn chặn mọi tế bào tạo ra hắc tố.
Chứng bạch tạng và bạch thể vô cùng hiếm gặp ở cá voi lưng gù với tỷ lệ chỉ 1/10.000, theo Erich Hoyt, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Bảo tồn Cá voi và Cá heo (WDC) tại Anh.
Đoàn Dương (Theo ABC/Live Science)