Cá voi sát thủ mẹ có tên Tahlequah hay J35 ở vùng biển gần Canada và tây bắc Mỹ không chịu rời bỏ con non đã chết, CNN hôm nay đưa tin. Cá voi nhỏ là con cái và chết chỉ vài giờ sau khi chào đời. Cá voi mẹ cố gắng ngăn cơ thể con chìm xuống bằng cách liên tục nâng nó lên mặt nước và bơi đi.
"Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng như vậy. Hành vi này giống như khóc thương và từng được các nhà khoa học bắt gặp trước đó, nhưng lần này khác thường vì diễn ra rất lâu", Michael Milstein, chuyên gia từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) tại vùng bờ biển phía tây, nhận xét. Lần gần nhất người ta bắt gặp Tahlequah cùng cá voi con là hôm 9/8, 17 ngày sau khi con non chết.
Hành vi khóc thương phổ biến ở một số động vật có vú như cá voi, cá heo, voi và hươu. Nghiên cứu chỉ ra não cá voi sát thủ lớn, phức tạp và phát triển cao ở những khu vực xử lý cảm xúc, theo Lori Marino, người đứng đầu dự án Bảo tồn cá voi.
"Không ngạc nhiên khi chúng có cảm xúc sâu sắc và Tahlequah đang thể hiện điều đó. Chúng ta sẽ không bao giờ biết chính xác nó cảm thấy như thế nào, nhưng mối liên kết giữa mẹ và con rất mạnh mẽ", Marino nói.
Chưa có trường hợp nào cá voi sát thủ khóc thương con lâu như vậy, theo Ken Balcomb, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu cá voi trên đảo San Juan. Cá voi mẹ đã bơi hơn 1.600 km với xác con, thậm chí nó đã bắt đầu phân hủy.
Cá voi sát thủ là loài có tính xã hội cao. Tahlequah thuộc quần thể cá voi sát thủ Southern Resident đang bị đe dọa, chỉ còn khoảng 75 thành viên và chưa có con non nào ra đời thành công trong ba năm. Khoảng 20 năm trở lại đây, chỉ 25% cá voi mới sinh sống sót. Scarlet, còn gọi là J50, một con cái khác trong đàn cũng khiến các nhà khoa học lo ngại khi đang sụt cân nghiêm trọng. Nó đã được tiêm kháng sinh để chống nhiễm trùng.
Nguồn thức ăn của cá voi Southern Resident đang giảm mạnh. Phần lớn cá voi sát thủ ăn đa dạng nhưng quần thể này chủ yếu tìm kiếm cá hồi. Cá hồi tại đây lại bị đánh bắt quá mức để phục vụ mục đích thương mại. Một số công trình của con người như hệ thống thủy điện cũng chặn đường đẻ trứng của chúng.
Vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn vì cá voi sát thủ không sinh con thường xuyên hay số lượng lớn. Việc sinh và nuôi con với chúng cũng là quá trình dài. Con non cần gần một năm rưỡi để phát triển trong bụng mẹ, sau đó tiếp tục uống sữa khoảng một năm nữa. Chúng phải học bơi ngay lập tức và việc ăn uống phụ thuộc vào mẹ suốt vài năm. Ban đầu cá voi mẹ cho chúng uống sữa, tiếp đến là cung cấp cá.
"Chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng", Balcomb nêu ý kiến. Tuy nhiên, con người vẫn có thể ngăn chặn điều này nếu kịp thời khôi phục số lượng cá hồi và hệ thống sông, ông bổ sung.