Việc tìm hiểu cá mập trắng hành động khác biệt như thế nào gần xác cá voi mắc cạn giúp cung cấp thông tin quý giá cho các chuyên gia bảo tồn, nhà vận hành tour và nhà chức trách. Nghiên cứu có nhiều ý nghĩa đối với xử lý cá voi mắc cạn và sử dụng nguồn nước.
Nhờ nhiều thập kỷ bảo tồn, số lượng một số loài cá voi đang trên đà gia tăng. Nhưng thành công này cũng kéo theo những thách thức mới. Số lượng cá voi chết và dạt vào bờ biển cũng tăng lên. Ngoài mùi hôi thối và cảnh tượng không đẹp mắt, xác cá voi còn thu hút cá mập ăn xác thối, đe dọa gây nguy hiểm cho người dân gần đó.
James Tucker, nghiên cứu sinh khoa học hải dương ở Đại học Southern Cross, Australia, và đồng nghiệp muốn đánh giá nguy cơ bằng cách theo dõi hành vi của cá mập quanh cá voi mắc cạn. Sử dụng drone, họ theo dấu những con cá mập trắng ở ngoài khơi bang New South Wales, Australia, trong năm 2018 và 2019. Họ quan sát 55 con cá mập ở vùng biển gần xác cá voi, và so sánh hành vi của chúng với video ghi hình 108 con cá mập bơi ở nơi không có xác cá voi. Nhóm nghiên cứu nhận thấy hành vi của cá mập trắng thay đổi đáng kể.
Phân tích hình ảnh từ drone cho thấy khi không có cá voi chết gần đó, hành vi của cá mập trắng tương đối dễ dự đoán, chúng lướt trên biển ở tốc độ đều đều. Nhưng tình huống thay đổi gần xác cá voi. Khi đó, cá mập trắng có xu hướng to hơn và bơi nhanh hơn. Chúng thường lượn vòng tròn và quanh quẩn ở khu vực có nguồn thức ăn, theo Tucker.
Nhóm của Tucker nghiên cứu cá mập trắng bởi chúng khá lớn và dễ theo dõi bằng drone. Tuy nhiên, dữ liệu không chỉ rõ xác cá voi có làm tăng số vụ cá mập tấn công người hay không. Dù cá mập trắng có tỷ lệ xung đột với con người cao hơn các loài cá mập khác, những vụ tấn công thường xảy ra cách nơi có xác cá voi vài kilomet.
An Khang (Theo Hakai Magazine)